Ngân hàng rộn ràng phát hành trái phiếu dịp cuối năm: Nỗ lực bứt phá mùa kinh doanh cao điểm

Nhân Đức

31/12/2024 12:05

Trong bối cảnh mùa kinh doanh cuối năm bước vào giai đoạn cao điểm, hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm tăng cường nguồn vốn hoạt động. Từ những đợt chào bán quy mô lớn đến chiến lược tái cấu trúc tài chính thông qua mua lại trái phiếu trước hạn, các nhà băng đang không ngừng tận dụng cơ hội để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày một tăng và củng cố vị thế trên thị trường vốn.

Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm không chỉ thúc đẩy nhu cầu tín dụng mà còn tạo động lực cho các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu, nhằm tăng cường nguồn vốn và đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của thị trường.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đang nổi bật với loạt hoạt động phát hành trái phiếu dồn dập. Ngày 23/12, MB phát hành thành công 7.000 trái phiếu thuộc lô MBBL2432027, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị 700 tỷ đồng, kỳ hạn 8 năm với lãi suất 6,28%/năm.

Trong tháng 12, MB đã phát hành thêm 5 lô trái phiếu khác, tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn từ 7-8 năm. Đáng chú ý, MB còn công bố chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 3 với tổng giá trị hơn 2.225 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 6 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, giúp ngân hàng củng cố thêm nguồn vốn trung và dài hạn.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng ghi dấu với thành công của lô trái phiếu MSBL2427012, phát hành ngày 20/12, tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,6%/năm. Tính từ đầu năm 2024, MSB đã phát hành 12 lô trái phiếu, huy động tổng cộng 14.800 tỷ đồng.

Không chỉ phát hành, MSB còn tích cực mua lại trái phiếu trước hạn. Gần nhất, ngày 2/12, ngân hàng đã tất toán sớm lô trái phiếu MSBL2326004 trị giá 1.000 tỷ đồng, góp phần tối ưu hóa cấu trúc tài chính.

z6183194531502-4dc5081e874c5fba2c6be6fd8b0343cd-1735621174.jpg

Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), nhà bằng này cũng vừa phát hành thành công lô trái phiếu ABBL2426004 trị giá 400 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 5,5%/năm. Từ đầu năm đến nay, ABBank đã phát hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, trong khi đồng thời mua lại trước hạn 8 lô trái phiếu, tổng giá trị 7.800 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với 2 lô trái phiếu mới phát hành ngày 20/12, tổng giá trị 260 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Ngoài ra, TPBank đã huy động thêm 3.000 tỷ đồng từ các lô trái phiếu kỳ hạn ngắn và dài, đảm bảo sự linh hoạt trong chiến lược huy động vốn.

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nhà băng đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu trong tháng 12, tổng giá trị 3.700 tỷ đồng, lãi suất từ 5,5% đến 5,6%/năm. Tính từ đầu năm, OCB đã phát hành ra thị trường 24 lô trái phiếu với tổng giá trị 27.500 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của OCB có lãi suất cao nhất ở mức 5,6%/năm, mức thấp nhất là 4,9%/năm.

Trước đó, ngày 5/11, Ngân hàng OCB dự kiến phát hành tối đa 13.200 tỷ đồng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành. 

Theo kế hoạch, lượng trái phiếu này sẽ được phát hành trong 13 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.

Ngoài ra, các ngân hàng lớn khác như ACB, Techcombank, và HDBank cũng ghi nhận nhiều đợt phát hành thành công, với giá trị dao động từ 1.000 đến 3.700 tỷ đồng, lãi suất cạnh tranh, phục vụ mục tiêu mở rộng tín dụng và đầu tư.

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 11/2024 đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 71%. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã vượt 402,8 nghìn tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng ngành ngân hàng, giá trị phát hành đạt 288,3 nghìn tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2023, với lãi suất bình quân 5,6%/năm và kỳ hạn trung bình 5,1 năm. Những cái tên dẫn đầu bao gồm ACB (36,1 nghìn tỷ đồng), HDBank (30,9 nghìn tỷ đồng), và Techcombank (26,9 nghìn tỷ đồng).

Chuyên gia từ MBS dự báo, xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhằm đảm bảo nguồn vốn ổn định cho hoạt động tín dụng và đầu tư. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuối năm sôi động.

Nhân Đức