Ngân hàng phát hành chục tỷ cổ phiếu trả cổ tức: Vì sao Techcombank, Sacombank và TPBank đứng ngoài cuộc đua?

Quang Diệu

14/09/2021 20:10

Chỉ có 3/19 ngân hàng niêm yết không/chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm 2021 là Techcombank, TPBank và Sacombank. Theo Chủ tịch Techcombank, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng; đối với riêng ngân hàng, để giá cổ phiếu tăng lên như Vietcombank là hướng đi phù hợp hơn.

0823-tinprngbinhtechcombank-vinhdanhcupvanghinhtin-xcsm-1-1631611937.jpgẢnh minh họa.

Hơn 6 tỷ cổ phiếu ngân hàng dội sàn chứng khoán từ đầu năm

Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, cơ quan quản lý khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước. 

Trong bối cảnh đó, 16/19 ngân hàng niêm yết có kế hoạch hoặc đã tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Ba nhà băng không/chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức là Techcombank, TPBank và Sacombank.

Theo thống kê của người viết, kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã đưa hơn 6 tỷ cổ phiếu lên thị trường chứng khoán Việt Nam và nâng tổng số cổ phần lưu hành lên trên 43,6 tỷ đơn vị. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục tung ra thị trường hàng tỷ cổ phiếu nữa thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Rầm rộ nhất phải kể đến kế hoạch phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu để tăng vốn lên trên 45.000 tỷ đồng của VPBank, bao gồm trả cổ tức 62,15% và thưởng cổ phiếu 17,85%.

Trong nhóm Big4, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. 

BIDV cũng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 và 2019, VietinBank vẫn còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020. Trong đó, VietinBank sẽ chia cổ tức năm  bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%.

Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá. Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã sự lao dốc mạnh sau khi chốt quyền chia cổ tức. Đơn cử như VIB, cổ phiếu này đã mất 32% kể từ 10/6 - ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 40%. Hay như CTG, thị giá cũng giảm tới 19% sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7.

z2624982826644-0fe49552750a733e3b035834d5cb25df-1626687211-1631611507.jpgKế hoạch chia cổ tức các ngân hàng trong năm 2021. (Nguồn: Quang Diệu tổng hợp)

Những ngân hàng đứng ngoài cuộc đua phát hành cổ phiếu

Năm 2021, Techcombank tiếp tục kiên trì định hướng không chia cổ tức, đây là năm thứ 10 liên tiếp không cổ đông ngân hàng này không được hưởng cổ tức.

Tại đại hội cổ đông, một cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về nguyên nhân không chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong bối cảnh các ngân hàng khác đều đang có kế hoạch tăng vốn mạnh thông qua cổ phiếu thưởng.

Lý giải về điều này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý. Theo Chủ tịch Techcombank, một số ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là định hướng riêng và việc phát hành mới sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.

‘’Đối với Techcombank, để giá cổ phiếu tăng lên như Vietcombank là bước đi phù hợp hơn. Bên cạnh đó, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ phải chịu 5% thuế thu nhập cá nhân’’, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.

‘’Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay không chia là không quan trọng vì Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động. Vấn đề quan trọng làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị chúng ta tăng lên’’, Chủ tịch Techcombank nói thêm.

Ngoài Techcombank, Sacombank cũng không chia cổ tức trong suốt 6 năm qua do phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2025. Tại kỳ họp đại hội năm 2021, Sacombank kiến nghị NHNN để sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nhưng đã không được chấp thuận. 

"HĐQT hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công, hy vọng 2022, trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức. Dự kiến đến 2022 hoặc đầu 2023 có thể chia cổ tức", Chủ tịch Dương Công Minh phát biểu tại ĐHĐCĐ năm nay.

Trong đại hội năm 2021, TPBank cũng quyết định giữ lại gần 2.979 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm nay thay vì chia cổ tức.

Tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết TPBank lựa chọn không chia cổ tức do năm nay ngân hàng còn có những hạng mục cần thiết để đầu tư, tăng trưởng kinh doanh.

‘Tính đến năm 2020, ngân hàng còn khoảng 6.022 tỷ đồng lợi nhuận để lại. Với con số này, bất cứ thời điểm nào, chúng ta có thẻ chuyển số tiền này thành cổ phiếu thường cho các cổ đông.

Còn trong năm 2021 chúng tôi chưa đưa kế hoạch chia cổ tức không có nghĩa là chúng tôi không chia, mà nó đặt ra vấn đề là chia bao nhiêu vì năm nay có khá nhiều việc chúng ta phải làm như đầu tư ngân hàng số, mua công ty tài chính’, Chủ tịch TPBank cho hay.
 

Quang Diệu