Ngân hàng chi nghìn tỷ mua lại trái phiếu
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán LPB) vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu phát hành ra công chúng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt năm 2020.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của LienVietPostBank theo quy định hiện hành.
Trái phiếu này năm 2020, phát hành vào ngày 24/11/2020 với mã trái phiếu là LPB7Y202001, kỳ hạn 7 năm, có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Ngày thanh toán lãi của kỳ tính lãi thứ hai là 24/11/2022. Ngày thực hiện quyền mua lại là tròn hai năm kể từ ngày phát hành.
Tổng khối lượng trái phiếu đang lưu hành là 1.814,280 trái phiếu. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại (theo mệnh giá) là 1.814,280 tỷ đồng. LienVietPostBank có quyền mua lại toàn bộ.
Theo thông báo của LienVietPostBank, nguồn tiền để mua lại trái phiếu LPB7Y202001 là nguồn thu nợ gốc/lãi của các khoản vay được tài trợ vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và nguồn vốn huy động khác, nguồn vốn tự tích luỹ, lợi nhuận hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính của Tổ chức phát hành.
Trước đó, theo thống kê tổng hợp của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong 9 tháng năm 2022, LienVietPostBank cũng đã mua lại 8.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Thị trường trái phiếu thời gian qua chứng kiến hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn khối lượng lớn của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng.
Số liệu của VCBS cho thấy, khối lượng trái phiếu mua trước hạn trong 9 tháng năm 2022 đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của LienVietPostBank
Theo Báo cáo tài chính quý 3 của ngân hàng này cho thấy, trong quý 3 và 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank cực ấn tượng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 228.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 193.500 tỷ đồng.
Về huy động vốn, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank đạt 7,4% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành. Mảng bán lẻ vẫn là động lực chính khi huy động vốn từ nhóm khách hàng này tăng 8,9% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,39% cuối tháng 6 xuống còn 1,32% vào cuối tháng 9.
LienVietPostbank không có số dư trái phiếu doanh nghiệp từ cuối tháng 6/2022. Ngân hàng chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 779 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái do các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số,… tăng trưởng tốt.
Trong quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.234 tỷ. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 3.842 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Giải trình về việc kết quả kinh doanh tăng cao trong quý, LienVietPostBank cho biết, trong quý 3/2022, ngân hàng đã tiếp tục phát huy các thế mạnh trong hoạt động kinh doanh theo đúng chiến lược tập trung bán lẻ, tăng cường bán chéo các sản phẩm dịch vụ. Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao chủ yếu do thu nhập phi tín dụng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái vì ngân hàng triển khai nhiều chương trình thúc đẩy bán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ Thanh toán Quốc tế, Bảo hiểm, gia tăng tiện ích của dịch vụ thẻ, ngân hàng số và nâng cao chất lượng dịch vụ... Do đó, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó là thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng tốt bởi ngân hàng luôn chú trọng quản trị rủi ro, lựa chọn phân khúc khách hàng bán lẻ an toàn để đảm bảo tăng trưởng ổn định, tuân thủ hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, các khách hàng cơ cấu Covid-19 đã ổn định hoạt động kinh doanh, tăng trưởng trở lại do đó Ngân hàng đã tăng thu hồi được lãi từ các khách hàng này. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, chỉ số CIR được cải thiện đáng kể.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho LienVietPostBank tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỷ đồng lên 20.091 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, ngân hàng này lập kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021. Số cổ phiếu phát hành dự kiến là hơn 225,5 triệu cổ phiếu.
Đồng thời ngân hàng này sẽ chào bán 300 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán dự kiến là 16,4% (giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian thực hiện trong năm 2022 và 2023 sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau khi hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của LienVietPostBank dự kiến đạt hơn 20.291 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) được thành lập theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 91/GP-NHNN ngày 28/03/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cổ đông sáng lập của LienVietPostBank là Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
Năm 2011, với việc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Cùng với việc đổi tên này, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chính thức trở thành Cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.
Hiện nay, với số vốn điều lệ 15.036 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc, LienVietPostBank là một trong các Ngân hàng Thương mại Cổ phần lớn nhất tại Việt Nam.
Tại LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của nhà băng này. Hiện ông Thụy đang sở hữu 34,2 triệu cổ phiếu LPB (tỷ lệ 2,28% vốn cổ phần).
Ông Thụy trúng HĐQT của LienVietPostBank vào năm ngoái
TP |
Trước đó, ngày 6.5.2021, trong phiên họp đầu tiên của HĐQT của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức ngay sau Đại hội đồng Cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.