Ngân hàng đa dạng hóa nghiệp vụ bán lẻ bằng sản phẩm năng lượng tái tạo

dang.pham

Bắt theo những xu hướng về năng lượng sạch, những ngân hàng như HSBC Việt Nam tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm bán lẻ mới.

Không chỉ dừng lại với các sản phẩm cho vay tiêu dùng quen thuộc như mua nhà, mua xe, mua đồ điện tử, xe máy, các gói tín dụng tiêu dùng giờ đây còn hướng tới các khách hàng có nhu cầu lắp pin năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt hộ gia đình.

Ngày 18.6.2019, ngân hàng HSBC Việt Nam kết hợp với GIC, một công ty chuyên về lắp ráp và thi công điện mặt trời để tạo ra gói vay cho các hộ gia đình có nhu cầu lắp điện mặt trời. Đặc điểm của các gói sản phẩm tài chính của HSBC về điện mặt trời là tỉ lệ lãi suất cho vay thấp và chiết khấu từ đối tác cung cấp, mà ở đây là GIC. So sánh với lãi suất tiêu dùng, HSBC cho biết các khoản vay tiêu dùng dành cho nhóm “tín dụng xanh”, phục vụ cho các sản phẩm tiêu dùng mang tính bền vững như điện mặt trời sẽ thường thấp hơn khoảng 3% so với những khoản vay tiêu dùng thông thường.

HSBC không phải là ngân hàng đầu tiên tạo ra các gói vay hướng tới sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhưng lại là ngân hàng đầu tiên xây dựng sản phẩm từ năng lượng sạch dành cho hộ gia đình. Hồi tháng 5.2019, HDBank, một ngân hàng thương mại có quy mô tầm trung cũng công bố dành 7.000 tỉ đồng cho các dự án điện mặt trời.

Hệ thống điện mặt trời trên nóc một tòa nhà tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà quản lý
Hệ thống điện mặt trời trên nóc một tòa nhà tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà quản lý

Theo HDBank, tính đến tháng 4.2019 đã có gần 1.400 khách hàng tại TP.HCM lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Đến ngày 9.5.2019, người dân lắp điện mặt trời tại TP.HCM đã được trả tiền cho phần điện bán lại cho hệ thống.

Từ năm 2012 đến năm 2015, Chính phủ và các bộ ban ngành khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã ký ban hành các quyết định và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. “Như vậy, khuôn khổ cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được hình thành. Song với một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn ngân sách quốc gia còn eo hẹp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn có giới hạn thì việc tham gia tích cực của hệ thống tài chính trong chiến dịch xanh hóa nền kinh tế có vai trò hết sức quan trọng”, nhận xét của thạc sĩ Hồ Hạnh Mỹ, giảng viên Đại học Ngân hàng đăng trên Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng 2016.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, các chính sách hỗ trợ phát triển liên quan đến tài chính xanh vẫn còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, chưa phát huy những lợi thế để huy động nguồn vốn xanh. Việt Nam mới chỉ có khoảng 5%/tổng dư nợ tín dụng sử dụng vào mục đích cấp tín dụng xanh, theo thông tin của Thời báo Ngân hàng.

Từ nhiều năm trước, thế giới đã đưa ra những khái niệm về tài chính xanh. Theo mô hình ngân hàng xanh của tác giả Kaeufer đưa ra năm 2010 có năm cấp độ. Cấp độ 1 ở mức tài trợ cho các hoạt động hướng đến tính bền vững của cộng đồng. Cấp độ 2, phát triển các sản phẩm dịch vụ xanh chuyên biệt. Cấp độ 3 tiến sâu hơn vào kinh doanh có hệ thống. Cấp độ 4 đưa ra các sáng kiến mang tầm chiến lược và cấp độ 5 đưa các sáng kiến cân bằng hệ sinh thái theo hướng chủ động. Các chuyên gia đánh giá, các ngân hàng Việt Nam mới chỉ đang ở giữa cấp độ 2 và 3.

Trên thế giới, các sản phẩm tài chính xanh trở nên phổ biến với nhiều hình thức khác nhau, điển hình là Panda Bonds, một loại trái phiếu dành cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm xanh. Trong một nỗ lực vực dậy tình trạng ô nhiễm môi trường, mới đây, chính phủ Trung Quốc đã cấp giấy phép cho BNP Paribas, ngân hàng đến từ Pháp để phát hành loại trái phiếu này, tức là thông qua nguồn trái phiếu panda bonds để huy động vốn từ quốc tế để dành cho các công ty trong nước phát triển sản phẩm bền vững. Các dạng Panda Bonds cũng triển khai bởi các chính phủ của Hungary, Malaysia, Philippines.



dang.pham