Nắng đã bật tone
Tôi tin rằng câu chuyện xây dựng Nhà máy Điện mặt trời có cảnh sắc đẹp nhất Việt Nam ở phía Tây Nam Tổ quốc mang trong nó những giá trị vô cùng đặc biệt sẽ cần được nhắc nhớ đến mai sau.
"Quá trình xây dựng công trình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu không thuận lợi và đặc biệt là phải chạy đua với đại dịch Covid tăng tốc lan nhanh khủng khiếp. Có vị trí địa lý ở rất xa thành thị, nguyên vật liệu phải nhập khẩu 100%, đường giao thông không thuận tiện như bây giờ, chúng tôi phải cùng nhau cõng nguyên, vật liệu với số lượng lớn, rất khó nhọc vào sâu chân núi để xây dựng. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, với ý chí quyết tâm, chúng tôi đã triển khai thi công và hoàn thành công trình trước vạch đích 31/12/2020 - thời hạn chót để được hưởng giá mua điện của EVN giai đoạn 1 là 9,35 cent và giai đoạn 2 là 7,09 cent”. Đại diện nhà đầu tư đã hồi ức chia sẻ
Công trình "Ánh sáng vùng biên" đã góp phần giúp bà con, nhân dân trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm tốt an ninh trật tự tại các khóm ấp khu vực biên giới. Mặt khác còn góp phần quan trọng đảm bao an ninh năng lượng phù hợp với xu thế phát triển năng lượng sạch toàn cầu.
Kỳ thú non thiên
Trên vùng đất quanh năm nắng và gió ở xã An Hảo - huyện Tịnh Biên, không thể canh tác gì khi thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng nghèo nàn. Mặc dù đã có những nhà đầu tư vội đến nhưng họ cũng chóng vánh rời bỏ vì chẳng có gì ngoài sự cô quạnh ở vùng quê heo hút mênh mông nắng mưa nghiệt ngã.
May thay, Nhà máy Điện mặt trời An Hảo xuất hiện như một kỳ tích đã nhanh chóng làm thay đổi toàn bộ cảnh sắc lẫn không gian dưới chân Núi Cấm. Không cần phá rừng, không bạt núi cũng chẳng hề chặn dòng, trang bị điện mặt trời nắn lại những khiếm khuyết của vùng bán sơn địa trở thành nơi kỳ thú của thảo nguyên quang năng.
Nước ta có vị trí gần xích đạo, nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền bức xạ nhiệt trung bình năm cao, cán cân bức xạ quanh năm luôn dương, do đó thị trường năng lượng mặt trời nhanh chóng trở nên hấp lực nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Và thế là, nguồn nắng Trời ban đã trở thành kho báu từ “mưu dụng” của nhà đầu tư để không bao giờ lãng phí tài nguyên. Trong khi không ít nơi và không ít “người” cứ vô tư đào đãi mỏ khoáng sản hay sẵn sàng vung hàng tỷ USD nhập than để “đốt”. Thậm chí có những doanh nghiệp san phẳng cả một quả đồi, thẳng tay đốn ngã hàng trăm ha rừng nguyên sinh để xây những cái thủy điện giống đồ chơi của trẻ chặn dòng. Và trái với tư duy “xây ít - phá nhiều”, thì có Nhà đầu tư biết chắt chiu, thu lượm từng giọt nắng để phái sinh ra hệ giá trị tuần hoàn và thặng dư cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ thuở bình minh cho đến hoàng hôn nắng cũng trải qua không ít thăng trầm để mọi người biết đến mình. Không cần quá “gồng mình" người ta cũng nhớ đến nắng ở An Hảo bởi màu vàng rực rỡ đến lạ kỳ. Vẻ đẹp ấy có thể hằn sâu lên ký ức của nhiều người khi đến chiêm ngưỡng để hiểu và chia sẻ với những người biết chắt chiu từng giọt nắng để biến thành thứ đặc sản độc đáp và đẹp lạ.
Túi khí tươi lành của vùng đất cực Nam đất nước, “linh danh” của Thiên Cấm Sơn mang trên mình nhiều huyền thoại đã - đang và sẽ được tạc thêm những kỳ tích về sự kiến tạo nên thảo nguyên năng lượng xanh ngập tràn sức sống mới.