Dệt may, da giày và thuỷ sản là các ngành thâm dụng lao động lớn của Việt Nam, với số lượng công nhân mỗi nhà máy lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người.
Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mỗi khoản lương phải trả cho người lao động, doanh nghiệp đồng thời phải trích thêm 23,5% chi phí lương để trả các khoản phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, phí công đoàn - được tính vào chi phí của doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu, mức chi phí của doanh nghiệp không chỉ tăng khoản trả cho người lao động, mà còn tăng các loại phí nói trên.
Ngành dệt may Việt Nam nằm trong top 4 của thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Đức và Bangladesh theo thống kê của WTO. Năm 2019, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 39 tỉ USD, tăng trưởng 7,3% so với năm 2018. Thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ nhất là Mỹ với mức tăng 8,9%.
SSI Research, trong báo cáo mới đây về ngành dệt may, cũng cho rằng tăng lương tối thiểu từ năm 2020 khiến "khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài”.
Nhu cầu dệt may thế giới chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. SSI Research cho rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có thể được hưởng lợi từ hội nhập nhờ một phần sợi, vải tự cung cấp, do đó mức ảnh hưởng sẽ đỡ nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thuần tuý. Khối các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, theo số liệu từ Hiệp hội dệt may Việt Nam.
Linh Anh