Năm 2021 TP.HCM có thể thành lập chính quyền riêng cho khu phố phía Đông

minhtam

Xây dựng khu đô thị mới trên nền ba quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9, TP.HCM kỳ vọng có một trung tâm sáng tạo, tương tác cao, là động lực của thành phố.

Ba quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9 được quy hoạch để trở thành vùng động lực phát triển phía Đông của TP.HCM, với mục tiêu là khu vực đổi mới và tương tác cao. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay, khu vực này sẽ được xây dựng như một thành phố trong lòng thành phố, tại Hội thảo "Định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM được tổ chức ngày 23/11.

Thành phố muốn hướng tới một khu vực nghiên cứu, đào tạo trình độ cao, khu công nghệ cao, khu đô thị mới, trung tâm tài chính với diện tích gần 22.000 ha, gấp 10 lần những khu đổi mới sáng tạo thông thường. Để có được hiệu quả, Bí thư Nhân cho biết năm 2020 sẽ trình đề án chính quyền đô thị TP.HCM, trong đó đề xuất hình thành đơn vị hành chính riêng cho khu vực này. "Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021 trở đi sẽ có một bộ máy chính quyền phù hợp cho khu đô thị phía Đông", ông Nhân nói và lý giải để thống nhất không chỉ về kinh tế mà cả mặt hành chính.

Ngay từ 2019, mọi quy hoạch đầu tư của ba quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 đều phải được giám sát đồng bộ để khi hình thành khu sáng tạo, tương tác cao không gặp vướng mắc. Đặc biệt, ông Nhân cho rằng cần phải giữ tự nhiên. Vị Bí thư kỳ vọng năm 2021 có thể bắt tay vào triển khai cụ thể xây dựng khu đô thị phía Đông.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ tập trung chương trình toàn diện trên nhiều nhóm vấn đề để đảm bảo thành công về mặt kinh tế và phát triển đô thị. Cụ thể, về quản lý, thành phố sẽ lập bộ phận chuyên trách để nâng cao sự linh hoạt khi ra quyết định khi hỗ trợ công nghệ cao và kinh tế tri thức. "Có thể bộ phận đó sẽ do tôi đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp, những thành phần khác tính sau", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP cho biết sẽ xây dựng các công cụ để thu hút cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở vật chất và tạo cơ hội kinh doanh. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác về giáo dục với các trường đại học lớn để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và viện nghiên cứu.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh đánh giá cao sự tiên phong của TP.HCM trong việc mở ra một số khái niệm về pháp lý để nhà đầu tư yên tâm tham gia tại khu đô thị phía Đông. Là nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và phát triển kinh tế xanh, ông Thành cho hay đang chọn khu Tam Đa nằm trong quy hoạch để kết nối các nhà đầu tư hình thành đô thị sinh thái du lịch nông nghiệp và nghiên cứu công nghệ sinh học. Chia sẻ niềm tin về cốt lõi của TP.HCM là thành phố nghĩa hiệp, ông Thành cho rằng tính kết nối của thành phố rất quan trọng. Các nhà đầu tư lựa chọn thành phố phía Đông như một trung tâm về kết nối.

Viện Nghiên cứu Kinh tế xanh được Ban kinh tế Trung ương ủng hộ về chủ trương thực hiện đề án "Kết nối nguồn lực
xây dựng phát triển đô thị thông minh thí điểm tại TP.HCM. Viện đề xuất phương án phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển đô thị thông minh trong cuộc cách mạng 4.0, sau đó, làm việc với các cơ quan liên quan của TP.HCM để phối hợp nghiên cứu và triển khai.

Thái Hoàng



minhtam