M&A bất động sản vẫn diễn ra âm thầm với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài

Quang Khải

19/06/2023 13:31

Thị trường BĐS trong thời gian quan đang trải qua giai đoạn vô cùng ảm đạm, khó khăn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trước tình cảnh đó, nhiều công ty buộc phải bán bớt dự án hoặc cổ phần và chia sẻ lợi nhuận của mình để tiếp tục chờ thời…

Mới đây, thông tin Tập đoàn Keppel (có trụ sở ở Singapore) cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam (KVF) chi “khủng” để mua cổ phần 2 dự án của Tập đoàn Khang Điền (mã: KDH) là Emria và Clarita (TP. Thủ Đức) nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo đó, tổng số vốn Keppel rót vào KDH là khoảng 3.180 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần giữa Keppel và KVF tại Keppel Consortium là 50:50. Với khoản đầu tư này, nhóm Keppel sẽ sở hữu 49% cổ phần trong hai dự án, Khang Điền nắm 51% còn lại.

Theo kế hoạch, Keppel và Khang Điền sẽ cùng phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư, trên tổng diện tích khoảng 11,8 ha. Tổng chi phí phát triển hai dự án này, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng.

Theo phía Keppel, thương vụ dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và không ảnh hưởng đến EPS cũng như tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu của Tập đoàn trong năm tài chính hiện tại.

"Thương vụ này phù hợp với chiến lược kinh doanh tầm nhìn tới năm 2030 của Keppel để trở thành doanh nghiệp sở hữu ít tài sản hơn thông qua một quỹ thứ 3", Ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam chia sẻ.

Đây cũng là thương vụ đầu tư chung thứ hai của Keppel và KVF tại Việt Nam, sau khi mua lại ba khu đất ở Hà Nội vào năm 2022.

278020315-1135020820610307-2095058053182925557-n-1687147648.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL, có trụ sở tại Mỹ) thông báo đã được uỷ thác cố vấn độc quyền cho bên bán hai khách sạn tại TP.HCM. Giao dịch này đánh dấu thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. Đó là khách sạn Ibis Saigon South và Capri by Fraser (TP.HCM).

Hay dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC (nằm ở trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội) vừa được Công ty THT chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Cụ thể, dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hanoi có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.789 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.

Quy mô diện tích dự án là 1,13ha, hệ số sử dụng đất 5 lần, mật độ xây dựng 40%, tầng cao 23 tầng. Địa điểm thực hiện dự án tại ô đất có ký hiệu B2CC3, Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Thời hạn dự án là 56 năm kể từ ngày cấp phép đầu tư (19/1/2006). Dự án dự kiến hoàn thành vào quý 4/2024.

Hồi tháng 3, thông tin Tập đoàn CapitaLand đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Vinhomes (mã: VHM) cũng gây nhiều chú ý. Nội dung đàm phán của CapitaLand và Vinhomes là về một số dự án của Vinhomes.

Cụ thể, CapitaLand đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes - một dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng rộng 294 ha gần thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hoặc một dự án khác ở phía bắc thành phố Hải Phòng.

Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Phát Đạt) cũng đã phải bán một số dự án. Đáng chú ý nhất, công ty này bán 89% vốn tại công ty sở hữu dự án cao ốc 197 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) để thu về 285 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt, việc chuyển nhượng dự án, thu xếp dòng tiền nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư, tối ưu nguồn lực đầu tư, bảo đảm dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn của công ty. Trước đó, Phát Đạt cũng đã hoàn tất việc bán gần như toàn bộ vốn điều lệ tại công ty con sở hữu dự án Astral City (Bình Dương) để thu về hơn 3.340 tỉ đồng cho 4 đối tác vào cuối năm 2022.

TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (DXS - FERI), cho rằng trong giai đoạn khó khăn, M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam, bao gồm các chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng, chuẩn bị bài bản nên luôn có nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội.

Chuyên gia tài chính - BĐS Trần Khánh Quang phân tích trước đây, các chủ đầu tư lớn trong nước đi "săn" dự án của các DN nhỏ theo kiểu "thâu tóm", "cá lớn nuốt cá bé". Đến giai đoạn này, hoạt động M&A hoàn toàn khác: bản thân các DN, tập đoàn lớn cũng gặp nhiều khó khăn, nên các đối tác tìm kiếm cơ hội M&A đa phần là các quỹ đầu tư, tập đoàn BĐS có vốn ngoại. Đặc biệt cũng có một số DN ngoài ngành, có tiềm lực tài chính muốn mở rộng, chuyển hướng kinh doanh thêm BĐS đang tích cực tham gia.

Quang Khải