Lực lượng lao động hao hụt trong dịch bệnh

thunguyen

01/08/2020 20:49

Người lao động không sẵn sàng làm việc ngay cả khi có việc làm.

Sự lây lan của dịch bệnh khiến người lao động e ngại và rời khỏi lực lượng lao động, ngay cả khi có việc làm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II.2020 giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ 2019. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay - Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê.

"Trong bối cảnh dịch bệnh, có nhiều người chủ động không tham gia lực lượng lao động do lo sợ ảnh hưởng lây nhiễm của dịch, đặc biệt là nhóm người từ 55 tuổi trở lên” - Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Giám đốc Phòng thống kê Dân số và lao động nói về kết quả thống kê lao động vừa qua. Bà Thuỷ bổ sung, số người mặc dù đang tìm kiếm việc làm, nhưng không sẵn sàng làm việc ngay khi có công việc thì không được tính vào lực lượng lao động.

Trong khi thất nghiệp có thể tăng hoặc giảm tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế, lực lượng lao động nhìn chung tăng trưởng hàng năm do số người đến độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) luôn cao hơn số lượng người rời khỏi lực lượng lao động do tuồi tác. COVID-19 đã đảo ngược biến động đó trong hàng chục năm qua.

Biến động lực lượng lao động Việt Nam (Nguồn: GSO)
Biến động lực lượng lao động Việt Nam (Nguồn: GSO)

Mặc dù số người rời bỏ lực lượng lao động cao ở mức kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp (không có việc làm mặc dù vẫn tìm kiếm việc làm và sẵn sàng đi làm) trong độ tuổi lao động tại Việt Nam vẫn cao nhất trong 10 năm qua, đạt 4,46% - theo Tổng cục Thống kê. Đây là những người mất việc và chưa tìm được công việc thay thế.

Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng tới khoảng 29,6 người, tương đương 56% lực lượng lao động tại thời điểm cuối quý II.2020. Việc ảnh hưởng bao gồm mất việc làm, giảm thu nhập - không tính số lao động tự nguyện rời khỏi lực lượng lao động.

Việc sa thải hàng loạt công nhân tại các khu công nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may, da giày - vốn phụ thuộc vào thị trường quốc tế - đã khiến tình hình việc làm trở nên khó khăn. Lao động trình độ thấp luôn khó tìm kiếm việc làm hơn lao động ở các cấp độ cao hơn. Cuối tháng Sáu, PouYuen - công ty sản xuất giày da xuất khẩu với khoảng 60.000 công nhân đã quyết định sa thải gần 3.000 công nhân do thiếu hụt các đơn hàng. Đây là quyết định sa thải lớn nhất của một doanh nghiệp do ảnh hưởng COVID-19.

Grab Việt Nam không công bố số lượng tài xế GrabBike tăng lên trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, quan sát số lượng tài xế đăng ký chạy GrabBike với các thủ tục đơn giản (chỉ cần có xe máy và bằng lái xe) - tại điểm đăng ký TP.HCM có thể thấy một lực lượng lớn công nhân và lao động các lĩnh vực khác đổ vào đây. Thu nhập các tài xế GrabBike đã giảm khoảng 30 - 40% do “số lượng tài xế quá đông” - theo nhận xét của một tài xế.

Lực lượng lao động sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng ảnh hưởng trực tiếp đến mức chi tiêu của người dân.

Trong bảy tháng đầu năm, mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ giảm 4,8% so với cùng kỳ (sau khi loại bỏ yếu tố giá) cho dù các chính sách kích cầu đã được áp dụng rầm rộ trong tháng Bảy, khi dịch bệnh cơ bản vừa qua đi.

GDP nửa đầu năm 2020 tăng 1,81% so với cùng kỳ 2019, là mức tăng thấp nhất kể từ khi chỉ số này được thống kê (1991).

Cuối tháng Bảy, tiếp tục xuất hiện đợt dịch bệnh thứ hai trong cộng đồng sau 100 ngày Việt Nam đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh. Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng Tám có thể sẽ tiếp tục xấu đi.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Lực lượng lao động hao hụt trong dịch bệnh" tại chuyên mục Khoa học quản lý.