Lợi nhuận UBS tăng trưởng mạnh nhờ quản lý tài sản

thunguyen

12/05/2020 08:08

UBS, ngân hàng lớn nhất toàn cầu với nghiệp vụ quản lý tài sản cho các cá nhân/gia đình giàu có vừa công bố kết quả kinh doanh quý I.2020 với kết quả khả quan.

Lợi nhuận trước thuế của UBS trong quý I.2020 đạt trên 2 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng mảng quản lý tài sản mang lại cho ngân hàng này khoản lợi nhuận 1,22 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2019 và chiếm trên 60% lợi nhuận trong kỳ của ngân hàng.

Kết quả kinh doanh khả quan của UBS diễn ra trong hoàn cảnh u ám chung của nền kinh tế toàn cầu, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Nếu như nghiệp vụ cho vay giúp các ngân hàng thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay, nghiệp vụ quản lý tài sản mang lại cho ngân hàng các khoản phí dựa trên độ lớn của tài sản quản lý. Các cá nhân và gia đình có khối tài sản lớn (thông thường từ 2 triệu USD trở lên) trên thế giới thường có xu hướng gửi tiền cho một tổ chức/ngân hàng quản lý, phân bổ tài sản theo khẩu vị rủi ro của cá nhân. Ngoài ra, khi gửi một khoản tiền lớn, các cá nhân/gia đình được hưởng trọn gói các dịch vụ tài chính khác của ngân hàng, bao gồm thừa kế, giáo dục, đầu tư, chia tài sản,… Quản lý tài sản mang lại cho các ngân hàng nguồn tiền ổn định, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các cơ quan quản lý về an toàn vốn.

Trong khi các khoản cho vay doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu buộc phải tăng các khoản dự phòng rủi ro, nghiệp vụ quản lý tài sản của các ngân hàng giúp giảm thiểu rủi ro nhờ chất lượng tài sản tốt.

Trong riêng quý I.2020, số tiền UBS nhận quản lý tăng thêm gần 12 tỉ USD. “Phần lớn khách hàng của chúng tôi đến từ Thuỵ Sĩ và có chất lượng tài sản tốt” - thông cáo báo chí của UBS nói về mảng quản lý tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, giá trị tài sản mang đầu tư của UBS đã giảm tới 11% so với đầu năm 2019, do tình hình ảm đạm chung của thị trường quốc tế. Báo cáo tài chính của UBS cho thấy số tiền ngân hàng này mang đi đầu tư tại thời điểm cuối quý I.2020 là 2.339 tỉ USD.

Quản lý tài sản, tại một số ngân hàng còn gọi là dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) đang là mảng kinh doanh tiềm năng mà các ngân hàng quốc tế theo đuổi, đặc biệt trong tình hình lãi suất toàn cầu đang có xu hướng suy giảm do khủng hoảng.

HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất toàn cầu cũng vừa ra báo cáo tài chính quý I.2020 với lợi nhuận sụt giảm tại tất cả các mảng hoạt động, trừ private banking. Tuy nhiên, private banking mới chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong các mảng hoạt động của HSBC (121 triệu USD lợi nhuận trên tổng 3 tỉ USD tất cả các nghiệp vụ).

Citibank cũng công bố lợi nhuận quý I.2020 giảm 46% so với cùng kỳ. Tương tự HSBC, chi phí dự phòng tăng cao trong giai đoạn khủng khoảng đã kéo lợi nhuận của Citibank đi xuống bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng 12%.

UBS là ngân hàng Thuỵ Sĩ có tuổi đời gần 160 năm với trên 300 chi nhánh trên toàn thế giới. Đây được coi là ngân hàng lớn nhất trong mảng quản lý tài sản cho các cá nhân và gia đình giàu có không chỉ tại Thuỵ Sĩ.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận UBS tăng trưởng mạnh nhờ quản lý tài sản" tại chuyên mục Tài chính.