Lao động phi chính thức là lực lượng lao động tự do, không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế… Ông Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính số lượng lao động không chính thức tại Việt Nam chiếm khoảng 60% lực lượng lao động. Mất việc làm có thể khiến những lao động khu vực này lâm vào hoàn cảnh không còn cách nào để duy trì cuộc sống, ILO nhận định.
Hiện tại những hỗ trợ đến với lực lượng lao động không chính thức hầu hết mang tính tự phát từ các cá nhân, tổ chức xã hội hơn là từ các chính sách chính thức của Nhà nước. Tại Hà Nội và TP.HCM, những cá nhân gặp khó khăn về lương thực thực phẩm có thể tìm đến các điểm cấp phát nhu yếu phẩm để nhận. Nguồn đóng góp này chủ yếu đến từ các cá nhân, doanh nghiệp.
Trong các khuyến nghị được đưa ra, các nhà kinh tế học theo trường phái trọng cầu cho rằng điều cần thiết đầu tiên là những giải pháp kịp thời hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương, qua đó đồng thời kích cầu nền kinh tế, giúp nền kinh tế vững vàng trở lại. Khi dịch bệnh qua đi, mới là lúc nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.
Chính phủ Việt Nam đã công bố gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỉ đồng tới những hộ nghèo, những cá nhân gặp khó khăn, gia đình chính sách,… Mức hỗ trợ có thể lên tới 1,8 triệu người/tháng trong tối đa ba tháng. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ từ gói này. Các địa phương hiện đang thống kê tập hợp những trường hợp khó khăn, dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân trong thời gian ngắn tới đây.
Trong khi lực lượng lao động phi chính thức chịu tổn thất nặng nề do dịch bệnh, lực lượng lao động chính thức nhìn chung vẫn đang cầm cự tương đối tốt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, cho dù không tránh khỏi ảnh hưởng.
Bà Thạch Thị Thu Hà, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh cho biết hiện tại lực lượng lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Trà Vinh ở vào khoảng 76 nghìn người. Tuy nhiên, mới chỉ một doanh nghiệp da giày cho công nhân nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh với số lượng chưa đến 1.500 người. Các doanh nghiệp nhìn chung gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp da giày xuất khẩu do đối tác từ Mỹ và Châu Âu từ chối đơn hàng hoặc trì hoãn thanh toán. Giải pháp các doanh nghiệp lựa chọn là giãn lao động, qua đó giảm thu nhập thực tế của công nhân, nhưng vẫn đảm bảo mức thu nhập tối thiểu theo Luật lao động.
Các doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản cũng có giải pháp tương tự, nhìn chung chưa phải sa thải hàng loạt công nhân. Ngoài ra, ngay cả khi buộc phải sa thải công nhân, những người đã được đóng bảo hiểm đầy đủ, số tiền được bảo hiểm xã hội chi trả có thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu của họ trong một thời gian.
Minh Thư