Theo Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của VEPR, từ trước tới nay, tất cả những gì Mỹ đe doạ Trung Quốc đều được thực hiện và mức độ không hề suy giảm. Đây là tín hiệu đáng lo ngại, khiến tính chất của chiến tranh thương mại có khả năng ngày càng leo thang. Khó có thể có một thoả thuận vào tháng sáu, kể cả trong dài hạn.
Ông Thành cũng nhận định, chiến tranh thương mại sẽ có tiêu cực lớn hơn cho quốc gia có độ mở kinh tế hơn 200% GDP như Việt Nam. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ của các nước khiến cho kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Trong đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp áp lực lên tỉ giá, tác động đến điều hành vĩ mô, tác động đến chuỗi cung ứng FDI và gây ột số sức ép lên Việt Nam về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường và công nghệ.
Theo Reuters, tổng thống Donald Trump và người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đều đã công bố cho giới truyền thông sẽ có buổi gặp mặt Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Osaka Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo đều mong muốn kết thúc cuộc chiến tranh nhưng điều này có vẻ hơi lạc quan khi mong đợi cuộc thương lượng diễn ra tại Osaka, South China Morning Post dẫn lời của Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung. Ông Craig nhận định thêm về cuộc gặp G20, “đây có lẽ không phải là thời điểm thích hợp để đạt một thỏa thuận đầy đủ, thay vào đó là cuộc gặp để bàn về các bước tiếp theo, làm thế nào, khi nào, ở đâu và tại sao phải quay lại bàn đàm phán”.
Hồi tháng 12.2018, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung đã có cuộc gặp gỡ tại Buenos Aires, Argentina. Ngày 10.5.2019, Mỹ lại tăng thuế suất lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc và đến ngày 1.6.2019, Mỹ tiếp tục tăng thêm một đợt thuế suất 25% với 60 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.