Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM

thunguyen

26/09/2019 16:45

Quy hoạch Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao - Highly Interactive Innovation District (HIID) bao gồm các khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của bà Lương Thu Anh – Trưởng phòng quản lý quy hoạch Khu trung tâm – Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tại Toạ đàm về Đô thị thông minh do Tạp chí Nhà Quản Lý phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức ngày 5.9.2019.

Bà Lương Thu Anh - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch Khu trung tâm trình bày về khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)
Bà Lương Thu Anh - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch Khu trung tâm trình bày về khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)

TP.HCM nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam với tổng dân số 23 triệu người, cũng nằm trong vị trí trung tâm khu vực ASEAN với thị trường hơn 600 triệu dân. TP.HCM là thành phố có nền kinh tế lớn nhất cả nước.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế làm về quy hoạch nói rằng TP.HCM có tốc độ phát triển nhanh vì có năng suất lao động gấp ba lần các thành phố khác trong cả nước. Chúng tôi có lực lượng lao động chất lượng cao, thị trường kinh tế phát triển với hơn 50% doanh nghiệp là các doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi cũng thu hút đầu tư và là một thị trường tốt để cho các nhà đầu tư tư nhân phát triển. Cuối cùng, TP.HCM là thành phố có truyền thống đổi mới, chúng tôi có ngân hàng tư nhân đầu tiên, cũng như các khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đó là thành tựu và sáng kiến mà thành phố đi đầu trong cả nước.

Về mục tiêu phát triển trong 10 năm tới từ 2020 – 2030, chúng tôi muốn duy trì tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM nhanh và bền vững, với năng suất gấp ba lần so với cả nước, duy trì đóng góp 30% cho ngân sách quốc gia. Chúng tôi mong muốn dẫn đầu trong phát triển công nghiệp 4.0. Chúng tôi cũng muốn trở thành thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, và thành phố xanh. Trong đó, chỉ số quan trọng nhất trong việc phát triển là mức độ hài lòng của người dân.

Một trong những giải pháp trong giai đoạn 2016 – 2025 của chúng tôi là xây dựng một thành phố sáng tạo tương tác cao ở phía Đông.

TP.HCM có hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Khu vực phía Đông nằm giữa hai con sông này có diện tích khoảng 21.000 héc-ta, dân số hiện hữu 1 triệu người, trong đó 12% là sinh viên. Khu vực này tập trung đầu tư các dự án hạ tầng chủ chốt trong năm năm qua bao gồm xa lộ Hà Nội, Đường Metro Line số 1, đường cao tốc Long Thành Dầu Dây.

Khu vực này đang có một số trụ cột kinh tế quan trọng.

Thứ nhất là Đại học Quốc gia gồm năm đại học lớn có hơn 110 nghìn sinh viên đang học.

Thứ hai chúng tôi có khu công nghệ cao với mức đầu tư là 10 tỉ USD với doanh số xuất khẩu hàng năm là 9 tỉ USD.

Quy hoạch khu Đông với ba trụ cột chính (Ảnh: Sở Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh)
Quy hoạch khu Đông với ba trụ cột chính (Ảnh: Sở Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh)

Cuối cùng là khu đô thị mới Thủ Thiêm mà sáng nay đoàn chuyên gia cũng đã xem qua mô hình tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM. Khu vực này có diện tích 657 héc-ta nằm đối diện với khu CBD – trung tâm kinh doanh của thành phố. Chúng tôi muốn phát triển khu vực này thành một trung tâm tài chính và kinh doanh của thành phố. Các khu vực này đang xây dựng và tiếp tục hoàn thiện.

Chúng tôi xin đề cập tới Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao - Highly Interactive Innovation District (HIID)

Hiện tại khu đô thị sáng tạo tương tác cao đang có bốn khu vực hiện hữu là khu vực đại học, Thủ Thiêm, khu vực Sài Gòn, khu vực Công nghệ cao và các khu dân cư hiện hữu. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bốn khu vực này để tiếp tục chuẩn bị cho quá trình tăng trưởng phát triển tiếp theo. Chúng tôi muốn xây các khu trung tâm sáng tạo mới, tập trung vào các chức năng như vườn ươm doanh nghiệp, living-lab, trung tâm nghiên cứu học thuật, khu triển lãm, buôn bán thương mại, sản xuất hàng hóa giá trị cao, áp dụng các nghiên cứu công nghệ mới.

5 nhóm thành phần tạo nên Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao - Highly Interactive Innovation District (HIID) phía Đông TP.HCM - Nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM
5 nhóm thành phần tạo nên Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao - Highly Interactive Innovation District (HIID) phía Đông TP.HCM - Nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Để thu hút các lực lượng chuyên gia và lao động tri thức, chúng tôi xây dựng các khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng. Để khuyến khích tinh thần sáng tạo trong cộng đồng, phát triển tinh thần chúng tôi xây dựng các khu giải trí, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Cuối cùng thì sự phát triển cũng cần đi chung với việc cân bằng và bảo vệ môi trường, chúng tôi cũng dành ra khu vực để bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra cũng sẽ có một số khu vực mang tính học thuật, dữ liệu, xây dựng và sử dụng big data để dự báo và điều hành. Thứ hai là khu vực sản xuất, thứ ba là các khu vực kết nối với quốc tế. Thứ tư là các dịch vụ đô thị hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ. Cuối cùng là các khu ở và các khu cho đời sống sinh hoạt đô thị hàng ngày.

Chúng tôi có bốn nhóm mục tiêu để phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao.

Thứ nhất là chúng tôi mong muốn tạo ra những khu đô thị, khu kinh tế sáng tạo. Ở đây chúng tôi sẽ xây dựng các trung tâm kinh tế, nơi có không gian để các chuyên gia và con người sống ở đó, có thể gặp gỡ, trao đổi, phát sinh những ý tưởng mới. Trong các khu vực này phải có các hoạt động, những văn phòng khác để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và ươm mầm. Chỉ cần một số ít trong số đó thành công cũng có thể làm động lực kinh tế lớn cho sự phát triển. Tại những trung tâm này, cũng phải có không gian để đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng những kỹ thuật mới, sáng tạo. Để điều hành những khu vực này thì phải ứng dụng internet vạn vật.

Mục tiêu thứ hai là đô thị vì con người. Đầu tiên là nhà ở cần có thu giá cả trung bình để cho mọi người dễ tiếp cận nhất là giới trẻ. Ngoài ra, về y tế, giáo dục phải có chất lượng tốt hơn và có thêm không gian để khuyến khích những hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Mục tiêu thứ ba là phát triển cần đi chung với bảo vệ môi trường. Ví dụ như việc quan tâm đến các vấn đề ngập lụt và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên địa phương, tiết kiệm nguồn nước sạch, quản lý nguồn nước thải.

Mục tiêu cuối cùng nữa là về vấn đề giao thông, làm sao giao thông nhanh hơn dễ dàng hơn cho mọi người, tăng phương tiện công cộng, giảm thải CO2 từ các phương tiện giao thông, phân tách luồng giao thông. Đặc biệt, tại khu vực phía Đông hiện nay tình trạng giao thông vận tải hàng hóa xe container lẫn trong làn đường của vận tải hành khách. Vì vậy đang cần giải pháp chia tách các luồng giao thông này để đảm bảo an toàn. Cuối cùng là việc kết nối đa phương tiện giữa các phương tiện với nhau thông qua việc sử dụng internet vạn vật để người dân có thể tiếp cận với giao thông dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng xây dựng từng mục tiêu cụ thể cho các khu vực living-lab ví dụ như giao thông sử dụng năng lượng tái tạo hoặc hình thành một mô hình kinh tế xoay vòng khép kín, tự cung tự cấp nhằm giảm thiểu đi lại và giảm thiểu xả thải ra môi trường, y tế thông minh và giáo dục thông minh, những khu nhà ở đa mục tiêu cũng như sự tham gia của cộng đồng vào trong quá trình thiết kế phát triển và xây dựng khu ở của mình. Cuối cùng là việc sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Muốn phát triển đô thị sáng tạo, chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục, đào tạo. Các trường đại học đang làm những chương trình để nâng tầm các trường đại học, các viện nghiên cứu, đồng thời đào tạo các kỹ sư, công nhân có thể tiếp cận với ngoại ngữ. Cuối cùng là chuyển đổi nhận thức cộng đồng. Bởi vì những dự án mới, những cơ sở hạ tầng mới mà chúng ta làm ra đều hướng tới việc đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và người dân cảm thấy có sự thay đổi về nhận thức.

Về phát triển kinh tế, chúng tôi nâng cấp và hoàn thiện các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp nhiều lao động, đang bị ô nhiễm trở thành những khu có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng thêm các trung tâm sáng tạo, phát triển những lợi thế cạnh tranh của vùng.

Đối với Sở Quy hoạch Kiến Trúc TP.HCM, chúng tôi có công việc chính trong việc xây dựng các đô thị thông minh và có giá trị bền vững, những đô thị tập trung vì con người. Cuối cùng là chính sách thể chế của các cơ quan nhà nước. Chúng tôi cần thay đổi theo nền kinh tế số, tạo ra những chính sách và luật lệ rõ ràng hơn, căn chỉnh các quyết định theo nền kinh tế số và đồng thời động viên khuyến khích sự đổi mới và linh hoạt hơn trong quá trình ra quyết định.

Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức một cuộc thi về ý tưởng quy hoạch trong khu vực 21.000 héc ta này. Dự kiến trong cuối tháng 9.2019, các đơn vị sẽ nộp bài và chấm giải.

Sau cuộc thi, chúng tôi hy vọng nhận được những sản phẩm có ý tưởng chủ đạo về các giải pháp và chiến lược chung để phát triển. Chúng tôi cho rằng, trong năm 2020, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình và các dự án cụ thể để phát triển trên bình diện vĩ mô toàn ba quận và có liên kết với các phần còn lại của thành phố cũng như các tỉnh lân cận và cả những dự án ở quy mô nhỏ hơn vài trăm héc-ta là những trung tâm sáng tạo đầu tiên được hình thành qua những nghiên cứu của năm 2019.

Tạp chí Nhà Quản Lý (ghi)

thunguyen