Không dễ rời Trung Quốc

minhtam

29/05/2020 17:48

Các doanh nghiệp không dễ dàng dịch chuyển khi Trung Quốc vẫn là nơi đảm bảo cho sản xuất khổi lượng lớn, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch các doanh nghiệp đang thiếu tiền.

Những kỳ vọng đối với các chuỗi cung ứng di chuyển ra ngoài Trung Quốc đã xuất hiện sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đụng độ thương mại. Bệnh dịch bùng phát tại thời điểm này dường như đã ủng hộ cuộc chiến của Tổng thổng Trump để đẩy lùi ảnh hưởng Trung Quốc trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã cho thấy các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp đã học được những nguy cơ của việc phụ thuộc quá nhiều vào một nơi sản xuất tập trung duy nhất. Nhiều phân tích tin rằng các doanh nghiệp sẽ bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng có thể các doanh nghiệp không có cơ hội để nghiêng một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, ít nhất là cho đến nay. Tại thời điểm hiện tại, các công ty sẽ thiếu tiền để đầu tư vào các hoạt động mới và chuyển đổi các chuỗi cung ứng hiện có. Trong khi đó, trên thực tế các dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi trở lại, ngay cả khi các nền kinh tế khác vẫn bị khóa.

Các nhà cung cấp công nghệ được khuyến khích bởi tốc độ sản xuất của Trung Quốc đã tăng mạnh sau cú sốc COVID-19, và điều này đã củng cố niềm tin của họ trong việc định vị sản xuất các sản phẩm khối lượng lớn của họ tại Trung Quốc. Điều này mang đến sự trấn an rằng Trung Quốc sẽ vẫn là một cơ sở lớn để sản xuất các sản phẩm này.

Katy Huberty, trưởng bộ phận phân tích đầu tư trong lĩnh vực phần cứng công nghệ Bắc Mỹ tại Morgan Stanley tin rằng các nhà sản xuất máy tính, chất bán dẫn và smartphone khó có thể di chuyển hệ thống vận hành đi nơi khác. Chuỗi cung ứng trong lĩnh vực phần cứng công nghệ thông tin có xu hướng lan rộng hơn quốc tế hơn các ngành công nghiệp khác. Nhưng thật ra phân tích về chuỗi cung ứng của Katy Huberty sẽ không chỉ đúng với ngành bán dẫn mà còn đúng với bất kỳ ngành nào khác mà mức độ toàn cầu hoá chuỗi cung ứng đã trở nên mạnh mẽ và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, ví dụ ngành công nghiệp ô tô.

Nói chung khả năng một số bộ phận của chuỗi cung ứng di chuyển ra ngoài công xưởng của thế giới thật sự có, nhưng các bước thực hiện sẽ không sớm xảy ra. Ít nhất tại thời điểm này. Lý do đơn giản là các doanh nghiệp thiếu tiền.

Mặc dù sẽ có đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang các nền kinh tế như Ấn Độ, Việt Nam, Mexico và Đài Loan, các công ty hiện đang tập trung vào bảo toàn tiền mặt và chi phí. Điều này sẽ hạn chế phạm vi của các động thái đa dạng hóa như vậy trong thời gian tới. Ngoài ra, nhìn vào tương quan giữa các nền kinh tế bên cạnh Trung Quốc, khả năng đạt đến quy mô lớn cũng là một thách thức cho những doanh nghiệp muốn di chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam - đơn vị chuyên tư vấn và quản lý bất động sản cũng đồng ý điều này khi cho rằng việc di chuyển hoàn toàn các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc không dễ dàng. Các nước nhỏ cũng không đủ sức tiếp nhận hay tạo ra những chuỗi cung ứng mới. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ phân tán hơn, trọng tâm có thể vẫn ở Trung Quốc. Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới đó.

Khi dịch chuyển các nhà đầu tư tính toán nhiều đến việc vị trí đó có thay đổi quá lớn chuỗi cung ứng của họ không. Sẽ khó để các doanh nghiệp chấp nhận một địa điểm mới không thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu sản xuất. Hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa đã sản xuất đòi hỏi tối ưu hóa chi phí trên đường xuất, nhập khẩu.

Việt Nam có nhiều lợi thế để các nhà đầu tư xem xét, theo đại diện JLL. Việt Nam có vị trí tốt trong hai mảng bất động sản công nghiệp và logistics khi nằm ở vị trí thuận lợi (chính giữa và độc đạo) cho việc lưu thông hàng hóa Ấn Độ Dương và Biển Đông. Việt Nam cũng làm rất tốt khi đưa ra chính sách quy hoạch rất rõ ràng các khu công nghiệp phục vụ sản xuất. Việc quy hoạch rõ ràng sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận đầu tư trong tương lai.

Tâm Phạm

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Không dễ rời Trung Quốc" tại chuyên mục Khoa học quản lý.