Khả năng thích nghi của chuỗi cung ứng trong khủng hoảng

dang.pham

13/04/2020 13:02

Trong thời điểm mọi thứ đều không chắc chắn thì điều chắc chắn nhất có lẽ là nền kinh tế thế giới đang chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Sự gián đoạn cung và cầu trên thế giới

Đầu tháng 2.2020, trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, COVID-19 vẫn là một vấn đề của riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh phong toả sớm ở Trung Quốc đã khởi đầu cho một sự hỗn loạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế giới dần nhận ra rằng hệ thống mạng lưới toàn cầu yếu đến mức nào khi mọi ngành kinh tế đều đang phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc.

Nguồn cung cấp hàng hóa của Trung Quốc ngay lập tức phải dừng hoặc bị trì hoãn đáng kể. Hàng tồn kho nhanh chóng cạn kiệt, tình trạng thiếu hụt bắt đầu xảy ra khắp nơi trên thế giới. Các công ty bên ngoài Trung Quốc bắt đầu gấp rút đi tìm kiếm năng lực sản xuất cũng như các nhà vận chuyển thay thế nhằm phục vụ các đơn đặt hàng.

83% số doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hữu hình (nhà bán lẻ, vận chuyển, thương nhân, nhà sản xuất) tại Việt Nam đã gặp phải vấn đề về nguồn cung cấp vật liệu trong hai tháng vừa qua. 47% trong số họ gặp khó khăn, đặc biệt là với nguồn cung từ phía Trung Quốc và phần lớn thiếu hụt nguyên liệu thô - Theo kết quả khảo sát thực hiện vào cuối tháng 3.2020 của C̀ông ty CEL, công ty chuyên tư vấn về quản lý chuỗi cung ứng.

Thậm chí khi doanh nghiệp đã tìm ra nhà cung cấp mới, các chuyến bay lại buộc phải ngừng vận hành. Các dòng hàng hóa xuất nhập khẩu cũng chậm lại do thiếu nguồn lực như công nhân bốc dỡ, tài xế, nhân sự vận hành nhà máy. Ở giai đoạn này, người lao động bắt đầu chịu ảnh hưởng.

Theo nhận định từ những ngày đầu tháng Tư cho thấy, mọi thứ đang thay đổi mạnh mẽ và lịch sử cũng đang ghi lại. Đại dịch đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia ở tất cả trình độ phát triển. Gần một triệu người chính thức bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới, với gần 100.000 ca mới mỗi ngày. 3,4 tỉ người sống dưới lệnh cách ly và trong trạng thái thiếu các điều kiện chữa trị cơ bản. Tiêu dùng gần như đóng băng ở Châu Âu, Mỹ và giảm đáng kể ở hầu hết các thị trường.

Nhu cầu một số mặt hàng đã tăng lên rõ rệt ở Việt Nam như thực phẩm đóng gói tăng 26%, ngành sữa tăng 10%, chăm sóc cá nhân tăng 29%, theo khảo sát của Kantar Worldpanel. Giỏ hàng của người dân đang lớn hơn. Họ giảm số lần đến siêu thị và các cửa hàng. Sự gia tăng nhu cầu nói chung đều dành cho tích trữ hơn là gia tăng tiêu dùng lành mạnh.

Một số công ty may mắn hưởng lợi từ dịch bệnh cũng đang cố gắng đáp ứng các đơn đặt hàng lớn hơn nhiều so với khả năng cung cấp. Những cơn sốt này diễn ra với các mặt hàng tiêu dùng cơ bản. Giấy vệ sinh là một ví dụ tiêu biểu trên toàn cầu hiện nay. Chính những điều này đã làm sai lệch nhận thức của chúng ta.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết các công ty thuộc những lĩnh vực khác chọn theo dõi với hy vọng Trung Quốc sẽ phục hồi và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, hai tháng sau, viễn cảnh lại trở nên tối hơn.

Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu thực tế (lượng đơn đặt hàng) rớt xuống ở mức thấp nhất. Doanh thu bán hàng trong các lĩnh vực đồ uống, thời trang, điện tử, xe cộ, nông nghiệp, đồ nội thất, giày dép, và nhiều loại khác đã giảm đáng kể trong phạm vi địa phương và cả toàn cầu. Đến đây, nhu cầu thị trên thị trường cũng bắt đầu biến mất.

Ngay thời điểm này, tại Việt Nam và các nơi khác, các nhà sản xuất và bán lẻ hiện có doanh số bán hàng là quá thấp so với chi phí cố định. Điều này khiến hàng ngàn doanh nghiệp thua lỗ, thiếu hụt tiền mặt.

Các công ty xuất khẩu chứng kiến các đơn đặt hàng bị hủy mỗi ngày, đặc biệt là các đơn hàng từ Châu Âu và Mỹ. Hậu quả là ngành vận tải toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng. Khối lượng hoạt động của các công ty giao nhận vận tải hàng hóa tại Việt Nam giảm từ 25% đến 70%.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tuyên bố phá sản. Điều này tác động đến nguồn nhân lực. Các chỉ số chính cần phải điều chỉnh. Thất nghiệp đang đe dọa nhiều ngành công nghiệp. Ngoài ra, các áp lực từ giá thuê mặt bằng khiến các nhà bán lẻ bị hao tổn lượng tiền mặt. Các lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang chịu sự căng thẳng. Lúc này, doanh nghiệp trông chờ các biện pháp của chính phủ có thể giải phóng các áp lực tức thời vì hồi kết của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa thể thấy rõ.

Chúng ta ngày hôm nay đang đứng trước một thực tế khó khăn nhưng đơn giản: mặc dù chuyển đổi số được kì vọng sẽ đem lại những bước tiến mới, người tiêu dùng lực lượng lao động, công nhân vẫn là trung tâm của nền kinh tế hiện đại. Và khi những nhân tố chủ chốt này bị ảnh hưởng, thì mọi thứ bắt đầu rung chuyển và chịu tác động theo hiệu ứng chuỗi.

Kênh tiêu dùng dịch chuyển

Khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn, nhu cầu chi tiêu gia đình đã giảm và chuyển dịch. Người tiêu dùng nhìn chung đã thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu trung và dài hạn. Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng cuối (B2C) bán ra ít hơn. Khảo sát do CEL thực hiện cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối và dịch vụ hậu cần (không bao gồm thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối) đã giảm khoảng 25% trong quý I.2020 so với mục tiêu. Dự kiến doanh nghiệp cũng sẽ không phục hồi khoản lỗ này trong năm nay.

Khi cách ly xã hội trở thành một thực tế cấp bách hơn, người tiêu dùng thành thị có xu hướng tìm tới các kênh mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu gia đình hàng ngày. Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở thành trung tâm của sự dịch chuyển này. Điều này giải quyết các nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ duy trì một hoạt động nhất định khi cửa hàng của họ bị đóng cửa, không phục vụ tại chỗ, mà chỉ cho phép hình thức “mang đi, mua về, giao tận nơi".

Lazada báo cáo số lượng đơn đặt hàng tại Singapore tăng 300% và dịch vụ giao hàng của Grab tăng 200% tại Bangkok. Hai ứng dụng này chưa có báo cáo chi tiết tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta có thể giả định các thành phố chính ở Việt Nam cũng có sự tăng trưởng tương tự.

Về tổng quan, một lượng lớn hàng hóa đã chuyển từ các kênh phân phối ngoại tuyến sang các kênh trực tuyến. Các công ty phân phối chặng cuối vẫn chưa đủ linh động để ứng phó với làn sóng gia tăng của các đơn giao hàng.

Một trong những thách thức rõ rệt đang thể hiện ở khả năng vận chuyển hàng hóa đường dài. Thời gian dịch bệnh, vận tải hàng không và đường sắt bị hạn chế, xe tải chạy đường dài trở nên khan hiếm và sự thiếu hụt khả năng vận chuyển gây ra chậm trễ và gián đoạn thêm trên tuyến đường kết nối Bắc - Nam (Việt Nam)

Khi nhiều người bắt đầu quen với mua sắm online và giao hàng tận nhà trở nên có hệ thống hơn, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dịch chuyển từ offline sang online. Sau khủng hoảng, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục hưởng lợi và giao hàng trong khi lĩnh vực bán lẻ ngoại tuyến sẽ dần hồi phục. Đây chắc chắn là một xu hướng mới cơ bản trong ngành hàng tiêu dùng cần chú ý.

Cuộc khủng hoảng cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa các sáng kiến của chính phủ điện tử cho phép người dân thực hiện các nghĩa vụ hành chính trực tuyến và do đó tránh được hàng dài chờ đợi. Một khi cuộc khủng hoảng kết thúc, nhiều khả năng việc triển khai các giải pháp kỹ thuật số cho người tiêu dùng và người dân sẽ phát triển mạnh mẽ.

Đi tìm giải pháp

Khi cuộc khủng hoảng nhu cầu toàn cầu ngày càng sâu, chúng ta sẽ chứng kiến diễn biến tiếp theo của các quốc gia đã công bố quyết tâm trong cuộc chiến chống lại sự lây lan rộng lớn, cụ thể là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như Châu Âu vẫn sẽ đối mặt với việc phong tỏa ít nhất cho đến tháng 6-7.2020. Trong viễn cảnh tốt nhất, Châu Âu sẽ phục hồi chậm trong quý III-quý IV.2020.

Mỹ đã do dự trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn rõ ràng và đại dịch đang lan rộng nhanh chóng. Ước tính ban đầu chỉ dự đoán con số hàng trăm ngàn người chết ở Mỹ. Mỹ có khả năng sẽ chịu áp lực lớn trong ít nhất trong hai quý tới. Các thị trường chứng khoán biến động.

Mặc dù có một lượng lớn tiền mặt từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để hỗ trợ nền kinh tế, các chuyên gia vẫn lo ngại về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu. Dù cho sự phục hồi của các quốc gia có diễn ra nhanh như thế nào, nếu Mỹ vẫn còn chịu ảnh hưởng, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ đối mặt với những thách thức trong những tháng tới. Người tiêu dùng Mỹ hiện đang giảm chi tiêu cho giày dép, điện thoại, thiết bị, quần áo, xe hơi, dụng cụ… - là những sản phẩm hầu hết được sản xuất ở châu Á và một phần lớn ở Việt Nam.

Các đơn đặt hàng cũng bị hủy, từ cửa hàng tạp hóa ở Tây Ban Nha với các mặt hàng rượu vang đỏ ở Mỹ, từ thương hiệu thời trang ở Italia đến nhà sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam, từ chuỗi bán lẻ ở Mỹ đến nhà máy giày ở Ấn Độ, từ hợp đồng cà phê ở Anh với các hợp tác xã nông nghiệp ở Ethiopia. Từ gián đoạn khác trong hệ thống hàng hóa trên toàn cầu, chúng ta hiện đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhu cầu tiêu dùng.

Với các doanh nghiệp, không có tiền mặt, mọi câu chuyện kết thúc. Và để tồn tại với nhu cầu ngày càng thắt lưng buộc bụng, các nhà hoạch định cần bắt tay vào việc hợp lý hóa danh mục sản phẩm, phát triển các dịch vụ hoàn chỉnh mới cho các khách hàng còn lại của họ, thực hiện các chiến dịch quảng bá lớn và cắt giảm chi phí không cần thiết.

Khảo sát của CEL cuối tháng Ba cho thấy 80% doanh nghiệp đã hoặc đang xem xét triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đảm bảo doanh số tối thiểu. 60% trong số họ đã tiến hành thay đổi bên trong các dòng sản phẩm của mình. Chúng ta đang trong giai đoạn mà các công ty cần phải đổi mới và tự sắp xếp lại dựa trên nhu cầu mới, khuôn mẫu và xu hướng mới. Giống như thuyết tiến hoá của Darwin, thị trường sẽ loại các doanh nghiệp không kịp thích nghi ra khỏi cuộc chơi.

Ngay cả khi lúc này còn sớm cho việc dự đoán thế giới sẽ thế nào sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng ta chắc chắn sẽ có sự chuyển biến đáng kể. Một vài xu hướng bắt đầu xuất hiện như:

● Đặt hàng online sẽ trở thành thói quen phổ biến hơn và vị trí của các kênh thương mại điện tử trong thời gian dài sẽ được khẳng định, bao gồm cả các sàn thương mại điện tử có danh mục tạp hóa.

● Các thị trường trưởng thành sẽ tăng tính tự chủ từ các chuỗi cung ứng do địa phương thiết lập, từ đó làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do (FTAs) có thể chịu sự thách thức. Người tiêu dùng sẽ ưu tiên cao hơn cho các sản phẩm địa phương thay vì hàng nhập khẩu, cũng vì lý do môi trường. Số liệu vào đầu tháng Tư cũng minh họa cho xu hướng đó: 84% người dân Pháp đã bày tỏ mong muốn mua nhiều sản phẩm địa phương hơn và giảm nhập khẩu từ Châu Á.

● Người tiêu dùng sẽ tăng kỳ vọng về tính minh bạch. Điều này dẫn đến việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc hàng hóa và việc tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh. Kiểm soát chất lượng sẽ chặt chẽ hơn từ những khâu đầu của chuỗi giá trị.

● Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong chuỗi sẽ thiệt hại rất nhiều hoặc thậm chí biến mất, để lại lỗ hổng trong chuỗi và buộc các công ty phải tìm những đối tác khác kiên cường hơn.

● Sự triển khai nhanh chóng hơn các giải pháp kỹ thuật số cho phép tầm nhìn tốt hơn về hiệu suất kinh doanh và các đối tác chuỗi giá trị được kết nối với nhau khăng khít hơn.

● Thúc đẩy nhiều hơn các dịch vụ thuê ngoài (ví dụ: logistics, sản xuất) cho các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư và trở nên linh hoạt hơn trước sự bất ổn định.

Bất kể mức độ lo lắng hay lạc quan của chúng ta như thế nào, điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng những điểm yếu trong sức khỏe của chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều nhất. Những người sống từ nguồn thu nhập hàng ngày trên đường phố Lagos, Alger, Manila, Hà Nội, Santiago... là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất với thời gian cực kỳ khó khăn sắp tới. Là những người kinh doanh, chúng ta có thể lo lắng nhưng chúng ta vẫn còn khá thoải mái. Chúng ta vẫn có thể nuôi sống những người thân yêu của mình, chúng ta vẫn có thể tận hưởng thời gian chất lượng với gia đình. Đại dịch Covid-19 này khiến một phần trong chúng ta “sống chậm" lại, và cũng có thể có một phần khác trong chúng ta đang phải trải qua thời kỳ “chết chậm".

Đó không phải là một chi tiết của hôm nay, và chúng ta phải nhớ rằng một số người sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn những người khác để có thể chung tay ứng phó với giai đoạn khốc liệt sắp tới. Tinh thần đoàn kết là những gì chúng ta còn lại để cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn khi sóng thần đi qua.

x

dang.pham