Kết quả kinh doanh lao dốc, ngân quỹ của FLC Stone chỉ còn 2 tỷ đồng và lần đầu báo lỗ

Mai Ngọc

27/07/2022 08:33

Trong quý 2/2022, Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (MCK: AMD) chỉ đạt doanh hơn 34 tỷ đồng, lao dốc 92% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên doanh thu công ty xuống dưới 100 tỷ đồng kể từ 2014.

Theo đó, với việc giá vốn cũng hạ xuống cũng giúp cho FLC Stone duy trì được mức lãi gộp trên 7 tỷ đồng. Hoạt động tài chính tăng nhưng chi phí tài chính lại giảm.

Điều đáng chú y là mục chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt gấp 10 lần so với cùng kỳ lên 29 tỷ đồng. Nguyên nhân FLC Stone đã trích lập dự phòng bổ sung một số khoản nợ phải thu khó đòi. Từ đó, dẫn đến khoản lỗ ròng 24 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước FLC Stone vẫn có lãi trên 5 tỷ đồng.

Đây là quý thua lỗ đầu tiên của công ty thuộc hệ sinh thái FLC Group kể từ khi công khai tài chính năm 2014 đến nay.

Tính lũy kế từ đầu năm, FLC Stone ghi nhận doanh số giảm phân nửa về mốc 404 tỷ đồng. Với sự suy giảm của quý vừa qua, đã kéo theo kết quả nửa đầu năm của FLC Stone lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng.

151263325-2678025102498211-5965864860394682674-n-1658877659.jpeg
Trong quý 2/2022, FLC Stone có kết quả kinh doanh lao dốc tới 92% so với cùng kỳ.

Năm 2022, FLC Stone đặt mục tiêu doanh thu lùi 35% so với năm trước về 1.000 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 23% còn 12 tỷ đồng. Với kết quả thua lỗ trên thì tiến độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận ngày càng xa.

FLC Stone đang có quy mô tổng tài sản đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó lượng tiền mặt của doanh nghiệp suy giảm 93% chỉ còn 2,3 tỷ đồng và không còn tiền gửi ngân hàng.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 9% về quanh 1.400 tỷ đồng, do tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Điểm đáng chú ý, Bamboo Airways nằm trong cùng hệ sinh thái của nhà FLC Group lại ở trong danh sách trích lập dự phòng khoản nợ xấu.

Cụ thể, FLC Stones có khoản phải thu 6,5 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 3,3 tỷ đồng, tức phải trích lập dự phòng 3,2 tỷ đồng đối với hãng hàng không này.

Một số khoản nợ xấu đáng chú ý khác mới phát sinh trong năm nay gồm: 17,6 tỷ đồng trích lập đối với phải thu Công ty Công nghệ TMC; trích lập 2,8 tỷ đồng với Công ty Nam Phương; trích lập 1,5 tỷ đồng đối với Xuất nhập khẩu Global Stone hay hơn 600 triệu đồng đối với Tổng công ty 36.

Một điểm sáng trong cấu trúc tài chính là nợ phải trả giảm mạnh 21% so với đầu năm về mức 491 tỷ đồng; trong đó phần lớn do vay nợ tài chính ngắn hạn giảm đáng kể 33% chỉ còn 215 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 1.955 tỷ đồng, chiếm đến 80% nguồn vốn.

Mai Ngọc