Tại Hội nghị Potsdam về An ninh mạng quốc gia ngày 23.5 tại Đức, ông Ken Hu, Phó Chủ tịch Huawei, cho rằng những cáo buộc thời gian vừa qua đối với Huawei là không hợp lý và không có căn cứ. Huawei đang chiếm 20% trong tổng số 3/4 người đang sử dụng các sản phẩm điện thoại thông minh trên nền tảng Android.
Lấy hình ảnh Bức tường Berlin (Berlin Wall) từng được dựng lên, ông Ken phát biểu, “tương tự, chúng tôi không muốn xây dựng một bức tường mới về thương mại, chúng tôi cũng không muốn xây dựng một bức tường mới về công nghệ. Chúng ta cần một hệ sinh thái toàn cầu tích hợp có thể giúp chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ nhanh hơn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, đó là những gì chúng ta phải dựa vào để duy trì và đảm bảo sự thịnh vượng cho xã hội loài người”.
Ông Ken Hu của Huawei viết trong văn bản gửi tới nhân viên của mình rằng: "Chúng tôi có thể đảm bảo rằng trong trường hợp xấu nhất, hoạt động của công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều".
Hồi đầu tuần, Alphabet - doanh nghiệp sở hữu Google ngừng cung cấp các bản cập nhật hệ điều hành Android cho Huawei. Không dừng lại ở đó, theo Bloomberg, các công ty sản xuất chip như Inter, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã thông báo với nhân viên của mình không cung cấp các phần mềm và thiết bị quan trọng cho Huawei cho đến khi có thông báo mới. Hôm qua, ARM - nhà cung cấp bộ xử lý vi mạch được sử dụng trên hầu hết các thiết bị di động hiện hành - có thể ngừng hợp tác với Huawei.
Trước đó, trong một thông cáo báo chí, Huawei cho biết: “Huawei đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của Hệ điều hành Android trên toàn thế giới...Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm”.
Huawei, thương hiệu điện thoại Trung Quốc có số lượng bán ra lớn thứ hai thế giới sau Samsung đồng thời cũng là nhà cung cấp hệ thống mạng viễn thông 5G lớn nhất trên thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, chính sự phát triển này khiến cho các quốc gia như Mỹ lo ngại các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Từ Hiếu