Huawei chật vật vá lỗ hổng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn

caodung

03/06/2020 15:49

Dù không phải giải pháp lâu dài, xây dựng kho dự trữ chip là cách phòng vệ tối ưu nhất của Huawei khi bị Mỹ ngăn cản tiếp cận nguồn thiết bị bán dẫn.

Hãng công nghệ Huawei có thể đã kịp dự trữ một lượng chip bán dẫn quan trọng nhất xuất xứ Mỹ đủ dùng trong hai năm để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình. Việc tích trữ này bắt đầu ngay từ cuối năm 2018, khi CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ. Huawei dồn sức mua các bộ xử lý trung tâm do Intel sản xuất dùng trong các máy chủ và chip có thể lập trình từ công ty bán dẫn Xilinx (Mỹ). Đây là “các thành phần thiết yếu nhất” trong hoạt động kinh doanh trạm phát sóng 5G của công ty. Lượng hàng dự trữ được ước tính có thể đủ đáp ứng nhu cầu trong một năm rưỡi đến hai năm, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review. Dù không phải giải pháp lâu dài, nhưng kho dự trữ chip bán dẫn hiện là cách phòng vệ tối ưu nhất của Huawei khi bị Mỹ ngăn cản tiếp cận nguồn thiết bị bán dẫn, tạm thời giúp Huawei tồn tại trong thời gian tới.

Theo tiết lộ của Huawei, năm 2019 công ty chi ra 23,45 tỉ USD để tích trữ chip, thành phần và vật liệu cần cho hoạt động sản xuất, tăng 73% so với năm 2018. Theo Nikkei, chủ yếu Huawei thu mua các sản phẩm từ Xilinx, công ty có chuyên môn cao trong việc thiết kế vi mạch dùng cấu trúc mảng phần tử logic (FPGA) - sản phẩm mang tính sống còn với đơn vị thiết bị mạng và trạm phát sóng của Huawei. "Các con chip có thể lập trình của Xilinx quá khó để thay thế ở thời điểm hiện nay", theo nguồn tin của Nikkei Asian Review. Chip Xilinx liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia Mỹ bởi vì ứng dụng rộng rãi trong khám phá vũ trụ và quốc phòng, ví dụ như máy bay chiến đấu tối tân F-35, vệ tinh NASA hay nhiều nghiên cứu khoa học khác. Xilinx cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến tổng thống Trump nhất quyết lôi kéo công ty TSMC của Đài Loan xây nhà máy bán dẫn trên chính đất Mỹ.

Bên cạnh đó, Huawei cũng đang chật vật để mua các CPU dùng trong máy chủ cao cấp cấp từ Intel và Advanced Micro Devices (AMD). Hai công ty Mỹ này đang kiểm soát tới 98% thị trường CPU chủ toàn cầu – sản phẩm không thể thiếu với mảng dịch vụ đám mây đang rất phát triển của Huawei. Với lệnh cấm hiệu lực từ ngày 15.5 (trừ các sản phẩm đã đặt hàng thì được gia hạn đến 14.9), Huawei có thể phải tính tới việc đi đường vòng thông qua các nhà phân phối địa phương hoặc đối tác cung ứng để tiếp tục tích trữ chip thông qua các kênh phân phối khác, tránh mua trực tiếp từ Intel và AMD. Huawei sẵn sàng trả giá cao hơn mức bình thường cho các sản phẩm này, bất chấp thực tế họ không thể cung cấp phiên bản có tùy biến hoặc hỗ trợ kỹ thuật như lúc trực tiếp đặt hàng sản xuất. Ngoài ra, Huawei cũng kịp xây dựng nguồn dự trữ chip nhớ DRAM và NAND flash từ Samsung, SK Hynix (Hàn Quốc), Micron (Mỹ) và Kioxia (Nhật Bản) từ năm ngoái. Đối với chip nhớ, mọi việc dễ dàng hơn vì loại này không cần phải cập nhật công nghệ liên tục như bộ xử lý. Do vậy, từ năm 2019, Huawei đã đặt mua gấp rưỡi nhu cầu thực tế.

Trong số các nhà cung cấp của Huawei, Xilinx, Intel và AMD đều nhấn mạnh mình sẽ tuân thủ với luật lệ và quy định của chính quyền Mỹ. TSMC ngay từ giữa tháng Năm đã ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei. Samsung, SK Hynix và Micron từ chối đưa ra ý kiến, còn Kioxia thì nói chung chung rằng sẽ tuân thủ với quy định của tất cả các nước mà mình hoạt động. Áp lực từ lệnh cấm của Mỹ, Huawei đã đề xuất với MediaTek, công ty bán dẫn Đài Loan, nhà cung cấp chip di động quan trọng cho Samsung và các hãng điện thoại thông minh của Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi – các đối thủ cạnh tranh trong mảng điện thoại thông minh của Huawei.

MediaTek trước đó đã cung cấp chip cho các dòng điện thoại 4G cấp thấp và cấp trung của Huawei. Huawei hiện hy vọng ký được hợp đồng mua chip di động 5G từ trung bình đến cao cấp với MediaTek, thay vì chỉ sử dụng chip nội bộ cho điện thoại di động cao cấp của mình như trước đây. "Huawei đã dự đoán ngày hôm nay sắp tới. Họ đã bắt đầu phân bổ nhiều dự án chip di động từ trung cấp đến thấp hơn cho MediaTek vào năm ngoái trong bối cảnh bị Mỹ nỗ lực cấm vận", một trong những nguồn tin của Nikkei cho biết. "Huawei cũng đã trở thành một trong những khách hàng quan trọng cho sản phẩm chip di động 5G trung cấp của nhà phát triển chip Đài Loan trong năm nay." MediaTek đang đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn nhân lực để đảm nhận hợp đồng của Huawei hay không, vì hợp đồng của Huawei lớn gấp ba lần khả năng huy động thông thường những năm vừa rồi của MediaTek.

Một trong các nỗ lực khác nhằm chắp vá thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn của Huawei là tăng cường hợp tác với UNISOC, nhà phát triển chip di động do Bắc Kinh hậu thuẫn, với hoạt động kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm và thiết bị cấp thấp cho các thị trường mới nổi. Trước đây, Huawei chỉ sử dụng lượng rất nhỏ chip UNISOC cho các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng cấp thấp của mình. "Các thỏa thuận mới sẽ là một động lực lớn để giúp UNISOC nâng cấp thêm khả năng thiết kế chip của mình", một giám đốc ngành công nghiệp chip cho biết. "Trước đây, UNISOC đã gặp khá nhiều khó khăn, vì công ty không thực sự đảm bảo có được các hợp đồng lớn với các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu toàn cầu vì họ có thể tìm thấy các dịch vụ tốt hơn ở nơi khác. Lần này có thể là một cơ hội để UNISOC đón lấy và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế." UNISOC năm 2019 đã tăng tốc phát triển chip 5G để bắt kịp Qualcomm và MediaTek, theo nguồn tin của Nikkei. Gần đây, công ty này còn nhận được 630 triệu USD từ quỹ mạch tích hợp quốc gia của Trung Quốc.

Với lệnh cấm mới của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty nước ngoài không được bán sản phẩm bán dẫn có nguồn gốc công nghệ Mỹ cho Huawei, công ty Trung Quốc chưa thể tìm ra ngay giải pháp thay thế trong dài hạn với các thành phần quan trọng. Năm 2019, công ty thiết kế chip của Huawei, HiSilicon từng giới thiệu chip xử lý trong máy chủ Kunpeng 920 có khả năng thay thế chip của Intel và AMD, đồng thời tự thiết kế các con chip thay thế cho Xilinx đề phòng trường hợp nguồn chip có thể lập trình bị cạn kiệt. Hơn nữa, các con chip của Huawei chưa bắt kịp các đối thủ toàn cầu. Thực tế là Trung Quốc không đủ khả năng để tạo ra chip nhớ có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm hiện tại. Mặc dù đã tự mình thiết kế được chip, nhưng Huawei vẫn chưa thể tự mình sản xuất được. Với việc không thể đặt hàng sản xuất tại các công ty nước ngoài, vấn đề nguồn cung chip bán dẫn là lỗ hỗng lớn nhất trong cỗ máy kinh doanh của Huawei.

Các nhà phân tích cảnh báo, nếu phụ thuộc vào chip tồn kho thì khả năng cạnh tranh của Huawei vẫn sẽ bị giảm do không cập nhật công nghệ kịp thời. “Nếu không tiếp cận được các loại chip tiên tiến như của TSMC, Huawei có thể có rắc rối với phần cứng viễn thông 5G”, theo một giám đốc tại một nhà mạng không dây lớn ở châu Âu. “Điều này có thể khiến nhà mạng không dây mua thiết bị từ nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác”, ông cho biết thêm. Hai đối thủ lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực 5G là Ericsson AB của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

“Các lệnh cấm của Mỹ có thể là cú đánh nhằm vào mảng kinh doanh hạ tầng của Huawei, cũng như dịch vụ đám mây và phục vụ doanh nghiệp, và cả lĩnh vực AI… Những lĩnh vực này có tính cạnh tranh cao và yêu cầu khả năng lặp lại nhanh chóng các thiết kế và tích hợp trong các công nghệ mới nhất và tốt nhất từ nhiều nguồn khác nhau”, theo ông Paul Triolo, công ty tư vấn Eurasia. Huawei không còn cách nào khác ngoài mua tích trữ thật nhiều và sẵn sàng đương đầu với lệnh cấm toàn diện hơn hơn, ông Triolo cho biết.

Cao Dung

caodung