Trong thông cáo phát đi hôm 13.9, HSBC nhận định nếu chương trình tiêm vaccine triển khai chậm và giãn cách kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và áp lực lên chuỗi cung ứng. Lúc đó, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.
Ở viễn cảnh khả quan hơn, tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%. Mức này phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.
“Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, triển khai cách thận trọng và bài bản theo lộ trình,” ông Tim Evans, tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói trong thông báo.
Trước đó, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,1% . Tuy nhiên, dự báo này sau đó đã lần lượt hạ xuống 6,6% vào tháng 2, 5,5% vào tháng 5 và mới nhất là 5,1% vào tháng 8 khi Việt Nam có những đợt bùng phát dịch.
Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15%, tạo khả năng hỗ trợ cho khối doanh nghiệp vốn đã suy giảm hoạt động, cạn kiệt dòng tiền do giai đoạn giãn cách xã hội; yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh...
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ đổ về. Đặc biệt, đầu tư FDI sẽ phục hồi với bối cảnh Chính phủ nhất quán các chính sách, nguồn nhân lực chất lượng và một loạt hiệp định tự do thương mại đi vào khai thác.
“Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, vì vậy Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới,” CEO HSBC Việt Nam nhận định.
HSBC cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022, sẽ phục hồi với mức 6,8%.