HoREA kiến nghị sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý nợ xấu bất động sản nhanh hơn

Hoàng Đức

17/01/2024 09:35

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 200 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, Hiệp hội rất hoan nghênh Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đề xuất của các Hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện lại nhiều nội dung quy định.

Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 200 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định về “chuyển nhượng tài sản bảo đảm”, quy định.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 200 Dự thảo Luật quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định này có thể dẫn đến hệ quả làm “ách tắc” hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đối với khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án, một phần dự án bất động sản do phải đáp ứng điều kiện của khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023. Vì nếu chủ đầu tư muốn chuyển nhượng thì cần phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước.

a1-1705458317.jpeg
HoREA kiến nghị sửa quy định trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng để ngân hàng xử lý nợ xấu bất động sản nhanh hơn.

Chủ tịch HoREA nhận thấy, trên thực tế các năm qua có nhiều dự án hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, nhưng chủ đầu tư dự án hoặc một phần dự án bất động sản này chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai đối với Nhà nước.

“Trong khi đó, khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42 không quy định điều kiện phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng và cũng không quy định chủ đầu tư chuyển nhượng phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng.

Đồng thời, khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 42 quy định bên nhận chuyển nhượng dự án kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Trong đó bên nhận chuyển nhượng dự án “kế thừa các nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án” bao gồm nghĩa vụ “phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính” của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Theo ông Châu, mặc dù khoản 15 Điều 210 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không yêu cầu chủ đầu tư của dự án hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án (quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023).

Tuy nhiên, HoREA cho rằng quy định này chỉ cho phép áp dụng đối với các trường hợp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, còn các trường hợp sau đó thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Có nghĩa là dự án, một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm thì chủ đầu tư phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước rồi mới được thế chấp tài sản.

the-era-town-1705458629.jpeg
Dự án Era Town Đức Khải (Quận 7) đang bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng khiến hàng nghìn hộ dân sống khổ sở khi mua nhà gần 10 năm vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Từ nhưng bất cập đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 200 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý các khoản “nợ xấu” có tài sản bảo đảm là dự án, một phần dự án bất động sản.

Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải đáp ứng quy định về điều kiện, hồ sơ về chủ đầu tư chuyển nhượng dự án của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.

Trường hợp đề xuất trên được chấp thuận, HoREA đề nghị bỏ khoản 15 Điều 210 Dự thảo Luật vì không còn cần thiết.

Nếu không được chấp thuận, Hiệp hội này đề nghị thay thế cụm từ “chủ thể của bên chuyển nhượng của dự án” bằng cụm từ “chủ đầu tư chuyển nhượng dự án” tại khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Dự thảo Luật cho chính xác và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.

Đồng thời, trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 200 không được chấp thuận, Hiệp hội đề nghị cho phép áp dụng sớm khoản 15 Điều 210 kể từ ngày 1/1/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án, một phần dự án bất động sản.

Hoàng Đức