Hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam như thế nào khi dùng yếu tố thời tiết để móc “hầu bao” của người dùng dịch vụ?

Gia Bình

19/07/2022 15:57

Thời gian gần đây, Grab Việt Nam đang trải qua vô số “lùm xùm” liên quan đến hoạt động của mình. Trong đó, nổi bật là việc “móc túi” người dùng khi thu phí “nắng nóng”, bên cạnh đó là hoạt động phản ứng của giới tài xế trong thời gian quan. Dù hoạt động mạnh mẽ, nhưng Grab Việt Nam đang cho thấy bức tranh tài chính không không mấy sáng sủa…

Dùng thời tiết để thu phí…

Ngày 6/7, Grab Việt Nam bất ngờ ra thông báo thu thêm phụ phí với lý do “thời tiết nắng nóng gay gắt”. Cụ thể, tại một số khu vực, Grab sẽ thu với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, GrabFood. Đối với GrabExpress có mức thu là 3.000 đồng. Phí phụ thu sẽ được cộng dồn trực tiếp vào màn hình hiện thị giá trị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.

Bên cạnh đó, Grab cũng đã triển khai thu thêm một số loại phí và phụ phí khác như: “Phụ phí khi mưa lớn”, “phí chờ đợi”, “phí kẹt xe”…Tuy nhiên, các chính sách và chương trình này của Grab đã nhận lại sự phản ứng rất lớn từ khách hàng, giới lái xe. Nguyên nhân, Grab đã không rõ ràng trong tiêu chí thu phụ phí nắng nóng gay gắt.

Bên cạnh đó, Grab cũng không nêu rõ liệu có thu chiết khấu đối với khoản thưởng này hay không. Nhiều khách hàng chỉ trích, Grab đang dùng yếu tố thời tiết để móc “hầu bao” của người dùng dịch vụ, kiếm lời.

xehay-grab-070722-1-1658218009.jpeg
Thời gian qua, Grab đã nhận được sự phản ứng dữ dội từ khách hàng về việc lợi dụng thời tiết "hút máu" khách hàng.

Trước sự việc, Cục Quản lý Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Grab phải giải trình, làm rõ các loại phí, mức phí, phụ phí…Bên cạnh đó, Grab cũng phải cung cấp thông tin về căn cứ, tiêu chí, thời gian áp dụng thu thêm. Đồng thời là việc phân chia lợi nhuận của các loại phí, phụ phi giữa Grab và lái xe.

Ngoài vấn đề trên, thời gian qua Grab cũng đối mặt với việc nhiều lái xe bỏ ứng dụng này. Nguyên nhân được cho là chi phí tăng cao, giá xăng tăng, thời tiết nắng nóng khiến cho giới lái xe “bất mãn” và không còn mặn mà tham gia vào ứng dụng. Nhiều khách hàng tại một số địa phương phải thường xuyên chờ đợi khá lâu mới đặt được dịch vụ gọi xe, giao hàng, đồ ăn…Sau đó, Grab thông báo sẽ dùng ngân sách hỗ trợ đối với lái xe cả nước, thế nhưng mức độ hiệu quả thì còn phải chờ xem trong thời gian tới.

Hoạt động mạnh nhưng vẫn lỗ

Từ tháng 2/2014, Grab âm thầm bước vào thị trường Việt Nam với sự ra đời của Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi). Tại thời điểm đó, GrabTaxi được sáng lập bởi 3 người Việt Nam là ông Nguyễn Tuấn Anh với 43% vốn điều lệ; Ông Nguyễn Phú Sinh với 33% vốn điều lệ; Ông Trần Anh Đức với 33% vốn điều lệ.

Đến tháng 8/2015, toàn bộ cổ phần của ông Nguyễn Phú Sinh và Trần Anh Đức, tương đương 66% vốn của GrabTaxi đã được thế chấp cho Holdings Pte.Ltd.

Đến tháng 3/2016, Grab mới trực tiếp nắm giữ cổ phần tại GrabTaxi thông qua Grab Inc (có trụ sở tại Singapore) với tỷ lệ sở hữu 50,5% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do ông Nguyễn Tuấn Anh nắm giữ.

Tới tháng 4/2016, Grab Inc giảm tỷ lệ sở hữu tại GrabTaxi xuống còn 49%, trong khi ông Nguyễn Tuấn Anh tăng sở hữu lên 51% vốn điều lệ.

Sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh mảng gọi xe trực tuyến, Grab còn phát triển hàng loạt dịch vụ khác gồm: Ví điện tử, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ…

xe-om-grab-bau-bang-1-1658218103.jpeg
Trong vài năm gần đây, Grab Việt Nam và Grab Holdings (công ty mẹ) đều lỗ.

Qua tìm hiểu, doanh thu thuần trong 3 năm gần nhất của Grab Việt Nam đều trên 3.300 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, ngoại trừ năm 2020 Grab Việt Nam có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt 243,4 tỷ đồng, hai năm còn lại đều lỗ.

Thế nhưng, bước sang năm 2021, khi chỉ số GMV ở Việt Nam xuống mức thấp gần bằng 0 nhiều tháng liên tiếp, Grab Việt Nam đã quay trở lại mạch thua lỗ, cụ thể là khoản lỗ sau thuế 300,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này thua xa năm 2019, khi con số này lên đến 1.697 tỷ đồng.

Với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế của Grab Việt Nam tính đến 31/12/2021 đã hơn 4.000 tỷ đồng. Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn so với lợi nhuận gộp.

Không chỉ Grab Việt Nam, Grab Holdings (công ty mẹ của Grab Việt Nam) cũng đang chìm trong thua lỗ. Theo báo cáo tài chính năm 2021, Grab Holdings đã chi 1,8 tỷ USD cho các chương trình ưu đãi, khuyến mãi – bao gồm 1,1 tỷ USD cho người dùng và 0,7 tỷ USD cho đối tác. Năm 2019, chi tiêu cho ưu đãi lên tới 2,4 tỷ USD.

Doanh thu năm 2021 của Grab Holdings đạt 675 triệu USD, tăng từ mức 469 triệu USD của năm 2020. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) vượt 16 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước đó. Lỗ lũy kế đến cuối năm ngoái là 14,4 tỷ USD.

Gia Bình