Hiệp định CPTPP được thúc đẩy mạnh hơn trong các nước thành viên khiến nhiều nước cũng muốn tham gia

Tường Thụy

18/07/2021 18:40

Quốc hội Peru vừa chính thức thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng thời điểm đó, Nhật Bản và Úc nhất trí thúc đẩy CPTPP trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19. Vì thế, có những quốc gia không nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng muốn tham gia, điển hình là Anh và mới nhất là Thái Lan cũng muốn là một thành viên của CPTPP.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết tại Chile tháng 3/2018 bởi 11 nước: Mexico, Nhật Bản, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Brunei, Malaysia, Peru, Chile và Việt Nam. Mới đây, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu thông qua, nhờ đó hàng xuất khẩu của Peru có thể tiếp cận và được hưởng ưu đãi thuế quan từ các nước thành viên khác trong khối, đặc biệt là Việt Nam, New Zealand, Brunei và Malaysia, là những nước Peru chưa có hiệp định thương mại song phương.

cptpp-ky-2018-1626607847.jpeg
CPTPP được ký kết tại Chile tháng 3/2018

Ông Gilmer Trujillo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Peru, cho biết việc Peru phê chuẩn CPTPP cho phép nền kinh tế Mỹ Latin này tiếp cận thị trường của 11 nước thành viên với tổng dân số 502 triệu người, chiếm 13.5% GDP và 14.5% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Như vậy, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực tại Peru trong vòng 60 ngày kế tiếp. Các mặt hàng xuất khẩu của Peru sẽ được hưởng lợi gồm áo từ vải cotton, trái cây (bơ, nho, việt quất), thức ăn cho gia súc, cực âm đồng, sản phẩm gỗ, ván ép, sản phẩm sữa, sản phẩm sắt và thép, nguyên liệu hóa chất, ethanol và bánh ngọt, theo tờ The Rio Times của Brazil.

Được ký vào tháng 3/2018, CPTPP chính thức có hiệu từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định là Mexico, Nhật Bản, Singapore, Úc, New Zealand, Canada. Với Việt Nam, CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Ngày 15/7/2021, cùng thời điểm Quốc hội Peru phê chuẩn CPTPP, Nhật Bản và Úc nhất trí thúc đẩy hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại một cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản.

Ông Hiroshi Kajiyama, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và ông Dan Tehan, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiến trình gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh. Các bộ trưởng khẳng định CPTPP và RCEP “đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế khu vực giai đoạn hậu dịch Covid 19.”

giao-thuong-1626607898.jpeg
Mục đích của các hiệp định thương mại tự do trên thế giới là nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Quá trình tiến tới RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Campuchia theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) và 6 quốc gia đối tác là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, vốn là những nước đã có hiệp định thương mại tự do riêng với với ASEAN. RCEP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới vì sẽ bao phủ một thị trường quy mô gần 25 ngàn tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người.

Mục đích của các hiệp định thương mại tự do trên thế giới là nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu. Vì thế, có những quốc gia không nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng muốn tham gia, điển hình là Vương quốc Anh và mới nhất là Thái Lan cũng muốn là một thành viên của CPTPP.

Tường Thụy