Hậu quả khôn lường khi làm việc kiểu đối phó

Phạm Hoàng Khôi

14/01/2025 10:36

Người thành công sẽ chẳng bao giờ làm việc kiểu đối phó, vì họ biết rằng đó là hành động tự huỷ hoại tương lai của chính mình.

doi-pho-1736825500.png
Làm việc kiểu đối phó là con dao hai lưỡi, nó giúp bạn thấy thoải mái đầu óc, nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả khôn lường (ảnh minh họa)

Khi đi làm, bất kỳ ai cũng phải đối mặt với áp lực công việc, với deadline và KPI hàng tháng. Chính điều này đã khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là cực kỳ stress với công việc.

Khi đối mặt với những áp lực công việc, sẽ có người luôn cố gắng, quyết tâm làm việc, hết mình vì công việc để có thể đạt kết quả làm việc tốt nhất.

Tuy nhiên, cũng có không ít người đang làm việc kiểu đối phó, làm đại cho xong, cho đủ số lượng, cho kịp deadline, mà không quan tâm đến chất lượng công việc.

Tất nhiên, làm việc kiểu đối phó là con dao hai lưỡi, nó giúp bạn thấy thoải mái đầu óc, nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả khôn lường…

Làm những điều vô nghĩa chỉ để đối phó

Khi đi làm, điều quan trọng nhất là phải tập trung hoàn thành tốt công việc, đảm bảo chất lượng công việc và đúng deadline. Thế nhưng thay vì tập trung vào chất lượng công việc thì một số nhân viên lại làm việc kiểu đối phó, làm cho có, làm cho đủ số lượng mà không quan tâm tới chất lượng.

Chẳng hạn như công ty yêu cầu nhân viên phải tập trung gọi 100 cuộc điện thoại mỗi ngày, thay vì tập trung gọi điện và khai thác thông tin khách hàng, thì một số nhân viên lại gọi cho có, gọi dối, gọi giả, hoặc gọi nói vài ba câu rồi tắt máy để làm lẹ lẹ cho xong.

Gọi đủ 100 cuộc nhưng hết 80 cuộc chưa kết nối, không nghe máy, thì đó là điều cực kỳ vô nghĩa, sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì cho cả bạn lẫn công ty.

Ngoài ra, điều này cũng khiến công việc của bạn trở nên nhàm chán, suốt ngày đi làm chỉ để đối phó với cấp trên, chứ chẳng tìm được niềm vui trong công việc.

Đi lùi trong khi mọi người đang tiến về phía trước

Trong khi những nhân viên khác đang tập trung, cố gắng hoàn thành tốt công việc, nỗ lực trau dồi bản thân để nâng cao năng lực làm việc, thì bạn lại đang dậm chân tại chỗ, thậm chí là đi lùi về phía sau vì suốt ngày chỉ làm việc theo kiểu đối phó, không tập trung vào công việc, vừa làm vừa chơi, khi có ai giám sát mới chịu làm, suốt ngày phải để cấp trên kè kè bên cạnh để nhắc nhở, đốc thúc làm việc.

Đừng để tình trạng này kéo dài, vì làm việc kiểu đối phó như vậy thì bạn sẽ chẳng thể tiến bộ, chẳng thể hoàn thành tốt công việc. Rồi sau này nhìn lại, thấy đồng nghiệp ai cũng được tăng lương, thăng tiến với tương lai rộng mở, còn mình vẫn chỉ là một nhân viên bình thường, mờ nhạt trong công ty, đi làm lâu năm mà không được tăng lương. Khi đó, bạn có hối hận thì cũng đã quá muộn, chẳng thay đổi được gì.

Bị đào thải khi làm việc kiểu đối phó

Người thành công sẽ chẳng bao giờ làm việc kiểu đối phó, vì họ biết rằng đó là hành động tự huỷ hoại tương lai của chính mình. Những ai làm việc thiếu trách nhiệm sẽ không thể gặt hái được thành tựu trong công việc, vì mình không tập trung, không cố gắng, không nỗ lực, thậm chí chẳng biết mình đi làm để làm gì, mà suốt ngày chỉ chăm chăm canh me cấp trên, làm việc kiểu đối phó để qua mặt công ty.

Nhưng đâu dễ gì mà bạn qua mặt được công ty, đơn giản lắm, chỉ cần nhìn vào kết quả công việc của bạn, thì công ty sẽ đánh giá được ngay rằng bạn có tập trung, có cố gắng làm việc không, hay là chỉ làm việc theo kiểu đối phó? Kết quả công việc không tốt 1-2 lần thì có thể do xui rủi, nhưng kết quả công việc kém suốt một thời gian dài, không có một chút tiến bộ nào, thì chắc chắn là do bạn đang làm việc thiếu trách nhiệm rồi. Và chắc chắn công ty sẽ không bao giờ muốn giữ lại một nhân viên như thế, những ai làm việc kiểu đối phó sẽ sớm bị đào thải.

Trên đây là những hậu quả khôn lường khi làm việc kiểu đối phó. Có thể nó sẽ giúp bạn thấy thoải mái ở thời điểm hiện tại, nhưng về lâu dài thì nó sẽ khiến tương lai bạn mờ mịt, bị thụt lùi lại so với những đồng nghiệp xung quanh và khó lòng chạm tay tới thành công. Chính vì thế, nếu cảm thấy mình đang chưa tập trung cho công việc, đang làm việc kiểu đối phó, thì bạn hãy thay đổi càng sớm càng tốt nhé!

Phạm Hoàng Khôi