Hậu đổi chủ, một công ty chứng khoán muốn tăng vốn 5.000 tỷ đồng, có bóng dáng của Xuân Thiện Group

Bùi Thanh Thảo

24/04/2024 10:19

Vốn huy động được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ, bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động tự doanh.

Chứng khoán Sen Vàng muốn tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng

Ngày 15/4 vừa qua, Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng (GLS) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Một trong những nội dung quan trọng của địa hội là thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 5.135 tỷ đồng.

Để thực hiện được phương án này, công ty phát hành 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần phát hành riêng lẻ là 1 năm.

Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong năm nay, nâng vốn điều lệ của GLS tăng mạnh từ 135 tỷ đồng lên 5.135 tỷ đồng.

Vốn huy động được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ, bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động tự doanh bao gồm nhưng không giới hạn bởi các chứng khoán vốn, chứng khoán nợ, chứng quyền và các tài sản tài chính khác, thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính chứng khoán theo quy định. Thời gian thực hiện dự kiến là nửa cuối năm 2024.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2024, công ty có kế hoạch tập trung vào việc xin ra khỏi diện kiểm soát, khôi phục các nghiệp vụ và kết nối hai sở. Do đó, công ty đặt kế hoạch  kinh doanh được xây dựng thận trọng với mục tiêu vượt qua điểm hòa vốn.

gls-chung-khoan-tang-von-5000ty-1438153-1713865416.jpg

Màn đổi chủ trước Đại hội đồng cổ đông

CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) được thành lập và hoạt động từ năm 2007. Khi thành lập, Chứng khoán Sen Vàng gồm 9 cổ đông với những tên tuổi có tiếng như: CTCP Xây dựng & Địa ốc Hòa Bình (HBC), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Đồng Tâm Miền Trung (DongTam Corporation), CTCP Ngoại Thương & Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC), CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 (FICO), CTCP Nhà Việt Nam (Vietnam House), Công ty TNHH Phú Mỹ Thuận (PhuMyThuan Co Ltd.) và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB - đã được sáp nhập vào Ngân hàng BIDV).

Tới cuối 2023, sở hữu vốn của Công ty có nhiều biến động. Danh sách thuyết minh chỉ thể hiện 1 cổ đông tổ chức là Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 (FICO), nắm 5% vốn.

Trước ngày Đại hội cổ đông diễn ra, GLS chứng kiến sự biến động mạnh trong cơ cấu cổ đông của công ty. Ngày 11/04/2024, hai cổ đông nắm giữ tổng cộng 64,89% vốn của GLS đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nắm giữ. Bên nhận chuyển nhượng là 3 cá nhân và một tổ chức.

Cụ thể, ông Cao Tấn Thành – cựu Chủ tịch HĐQT GLS – đã chuyển nhượng toàn bộ 8,25 triệu cổ phiếu, tương đương 61,16% vốn điều lệ cho 4 nhà đầu tư là bà Thái Kiều Hương (nhận 4,95%), ông Hồ Ngọc Bạch (19,88%), ông Lê Huy Dũng -  tân Chủ tịch HĐQT GLS(3,7%) và Công ty TNHH TM Nông nghiệp Khang An (20%).

Cùng với đó, ông Chu Tuấn An - cựu Tổng giám đốc GLScũng chuyển nhượng 500.000 cổ phiếu (16,33%) cho ông Lê Huy Dũng. Ông Dũng nhận được tổng cộng hơn 2,7 triệu cổ phiếu trong lần sang tay này, đang nắm giữ 20% vốn điều lệ công ty.

Có thể thấy, trong nhóm cổ đông mới này, có bóng dáng của Tập đoàn Xuân Thiện của đại gia Ninh Bình - ông Nguyễn Xuân Thiện.

Được biết, Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An được thành lập năm 2018 với tên Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình. Tiền thân là Công ty TNHH Sữa Dê Ninh Bình – thành viên trong "hệ sinh thái" Xuân Thiện Group.

Tính đến tháng 7/2023, công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Bà Thái Kiều Hương, cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu GLS, góp vốn 99% tại Thương mại Nông nghiệp Khang An, ông Nguyễn Đức Toàn nắm giữ 1% còn lại. Bà Hương từng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam.

Xuân Thiện Group kinh doanh ra sao?

Được thành lập năm 2000, Tập đoàn Xuân Thiện là cơ nghiệp riêng của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện, con trai cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình. 

Doanh nghiệp này hoạt động đa ngành với nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng; nông nghiệp công nghệ cao; logistics; bất động sản; khách sạn nghỉ dưỡng... Trong đó mũi nhọn là mảng năng lượng tái tạo.

Xuân Thiện đang sở hữu 13 nhà máy thủy điện, 7 nhà máy điện mặt trời và một trung tâm thí nghiệm. Trong đó, tổng công suất dự án điện mặt trời mà tập đoàn đã và đang đầu tư đạt đến hơn 3.070 MWp, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 57.000 tỷ đồng, khoảng 2,4 tỷ USD. 

nguyen-van-thien-chu-tich-xuan-thien-group-5244362-1772020-1713865640.jpgÔng Nguyễn Văn Thiện

Cách đây ít ngày, Xuân Thiện đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với kết quả kinh doanh kém sắc. 

Theo đó, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế gần 107 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2022, doanh nghiệp này lãi gần 22 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó cũng “đảo chiều”, từ mức 0,36 lần sang -1,82 lần.

Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Xuân Thiện đạt xấp xỉ 5.870 tỷ đồng, giảm gần 106 tỷ đồng so với kỳ trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 0,4 lần, tương ứng với số nợ phải trả là 2.270 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022. Tổng tài sản của doanh nghiệp ước tính đạt 8.140 tỷ đồng.

Hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đã được đưa về 0. Dữ liệu tại Cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Cbonds) cho thấy, tại ngày 2/4/2024, Tập đoàn này không còn lưu hành lô trái phiếu nào.

Bùi Thanh Thảo