Báo cáo kiểm toán 2019 mới công bố của hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam Vietnam Airlines và VietJet đều có bổ sung ý kiến kiểm toán về sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Với Vietnam Airlines, kiểm toán Deloitte cho rằng “khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.”
Với VietJet, kiểm toán KPMG nhận xét “giá trị của giả định hoạt động liên tục cơ bản phụ thuộc vào khả năng Tập đoàn tạo ra đủ dòng tiền hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và tài chính thương mại tàu bay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.”
Có nghĩa là nếu không thu xếp được nguồn tiền, các hãng bay có thể phải dừng/tạm dừng hoạt động.
Nguồn tiền lành mạnh và bền vững nhất của doanh nghiệp thông thường đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Với các hãng bay, hoạt động cốt lõi là vận tải hành khách. Trong điều kiện cách ly, hạn chế xuất nhập cảnh trên phạm vi toàn thế giới, các hãng bay dù lớn nhỏ đều đứng trước khả năng phải dừng hoạt động khi không có nguồn thu, trong lúc các chi phí vẫn phải chi trả ở mức cao, bao gồm lương nhân viên, chi phí bảo trì bảo dưỡng, thậm chí còn thêm chi phí bến bãi khi các máy bay không thể cất cánh.
Đến nay, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo quý I.2020 với mức ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ thua lỗ hơn 2.600 tỉ đồng chỉ trong ba tháng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của hãng bay bị thâm hụt trên 3.800 tỉ đồng. Để trang trải các chi phí hoạt động, Vietnam Airlines buộc phải vay thêm tiền từ các tổ chức tín dụng, và bán tài sản - trong đó có năm chiếc máy bay thân nhỏ Airbus A321 và khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air. Các thương vụ chưa được công bố chính thức.
VietJet cũng công bố kết quả kinh doanh quý I.2020 với khoản lỗ gần 990 tỉ đồng. Tuy nhiên, hãng bay này không đưa ra thuyết minh báo cáo tài chính hay báo cáo về dòng tiền. Quý I năm ngoái, VietJet công bố báo cáo hoàn toàn đầy đủ.
Bị cấm các chuyến bay thương mại quốc tế, các hãng bay hiện đang duy trì một số chuyến bay chở hàng để trang trải chi phí. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, do máy bay chở khách không được thiết kế chuyên dụng để chở hàng một cách hiệu quả. Với giá cước đắt đỏ, vận tải hàng không thông thường chỉ được các hãng dược, vật tư y tế, mỹ phẩm...lựa chọn.
Quan sát các sân bay nội địa, có thể thấy tình hình đang khả quan trở lại, khi các chuyến bay đã bắt đầu hoạt động tương đối thường xuyên. Một điều phối viên sân bay Vinh - một sân bay nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An cho biết trước dịch bệnh mỗi ngày sân bay đón khoảng 50 chuyến bay đến và đi. Đến nay, sau khi hết cách ly xã hội, sân bay Vinh mỗi ngày đón khoảng 30 chuyến.
Minh Thư