Với phạm vi hoạt động lớn từ khách sạn, siêu thị, nhà hàng, Central Group đang đặt niềm tin vào các kênh trực tuyến nhằm đẩy mạnh doanh số. Năm 2017, tập đoàn này đã đầu tư 500 triệu USD vào liên doanh với JD.com, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc.
Khoản đầu tư 200 triệu USD lần này của Central Group đổi lấy "lượng cổ phần không nắm quyền chi phối" tại Grab, ông Tos Chirathivat, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn, cho biết thêm về chi tiết thỏa thuận.
Ông Anthony Tan, nhà đồng sáng lập và CEO của Grab bình luận: "Khoản đầu tư này đưa Central - nhà vô địch bán lẻ địa phương (Thái Lan) và Grab - nhà vô địch công nghệ địa phương, đến với một hợp tác sâu rộng, phản ánh cam kết của chúng tôi với đất nước Thái Lan và mọi người dân Thái Lan, bằng cách tạo ra nhiều việc làm và thịnh vượng kinh tế thông qua nền tảng (ứng dụng Grab) của chúng tôi".
Anthony Tan kỳ vọng hợp tác với Central "sẽ giúp Grab thúc đẩy tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực như giao đồ ăn, giao hàng và dịch vụ gọi xe trực tuyến và khẳng định Grab trong vị thế của một ứng dụng hàng ngày cho người dân Thái Lan".
Grab, sau khi mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ chính Uber, đã liên tục mở rộng ứng dụng vượt ra ngoài phạm vi của một ứng dụng gọi xe thông thường, với các mảng dịch vụ mới như giao hàng, giao đồ ăn và cả thanh toán điện tử.
GrabFood được triển khai tại 6 thành phố lớn tại Đông Nam Á. GrabExpress, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hiện được vận hành tại 150 thành phố, theo thông tin công bố từ công ty. Đặc biệt, Grab đang tích cực mua lại hoặc hợp tác với các nhà cung ứng dịch vụ địa phương (như iKaaz, Kudo, Ovo, ZA International, Moca) nhằm phát triển GrabPay, đơn vị vận hành mảng thanh toán. Ngoài ra, Grab cũng tuyên bố nhiều thỏa thuận hợp tác thông qua Grab Financial, cung cấp dịch vụ tài chính cho các đối tác như tài xế, cửa hàng,...