Thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) đã ứng dụng uBCF đầu tiên, được đánh giá là công nghệ tiên tiến hiện đại nhất trên thế giới. Ứng dụng bể lọc uBCF là giải pháp hữu hiệu góp phần ứng phó với ô nhiễm nguồn nước. Nguyên lý hoạt động uBCF là loại bể lọc tiếp xúc sinh học, sử dụng than hoạt tính dạng hạt làm môi trường cho các sinh vật sinh sống. Các vi sinh vật này có tác dụng ăn các chất hữu cơ, amoni, nitơ, mangan, sắt, chất hoạt động bề mặt, mùi…
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, Hải Phòng đang đối mặt với tình trạng nguồn nước thô ngày càng suy giảm về chất lượng, trữ lượng; xâm nhập mặn gia tăng do biến đổi khí hậu... đòi hỏi phải nghiên cứu các giải pháp bảo vệ và cải thiện nguồn nước thô, ứng dụng các công nghệ xử lý nước mới thích ứng với biến động bất lợi của nguồn nước.
Việc thống nhất nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cấp nước Hải Phòng và Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu giúp hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong các lĩnh vực cấp nước cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa công nghệ uBCF tại thực tế Hải Phòng và Việt Nam.
Kể từ khi thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Hải Phòng và Thành phố Kitakyushu (2009 – 2024) đến nay, hai bên đã có nhiều chương trình, hỗ trợ quan trọng và mang lại hiệu quả cao, trong đó tiêu biểu là hợp tác nghiên cứu xử lý chất hữu cơ trong nước bằng công nghệ xử lý sinh học uBCF thân thiện với môi trường.