Góc nhìn chuyên gia: Thông tư 06 của NHNN sẽ có tác động như thế nào?

Mai Ngọc

10/09/2023 06:37

Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 1/9, người dân mua nhà, mua xe có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Vậy việc vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác sẽ tác động như thế nào đến hoạt động tài chính?

Vừa qua, đã có một số nhà “bank” thực hiện cho vay vốn để trả nợ tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay từ 6%/năm đối với vay ngắn hạn.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Thông tư 06 cho vay để trả nợ ngân hàng khác đối với cá nhân tạo sẽ thuận lợi cho việc đảo nợ. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.

Với quy định mới, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác (nếu có). Ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi. “Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định”, ông Độ nói.

375529402-270471582585649-1928178501012895681-n-1694302435.jpeg
Thông tư 06 sẽ khiến các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Ảnh: NQL

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam nhận định: "Việc sửa đổi này khiến các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Trong đó, một số ngân hàng hiện nay đang cho vay tiêu dùng hay người mua nhà đang vay với lãi suất cao sẽ phải cân nhắc lại với mức lãi suất. Điều này đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và có thể giúp cho độ chênh lệch lãi suất cho vay sẽ thu hẹp lại".

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dù tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách.

Theo đó, các ngân hàng cũng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất khoản vay cũ và thêm các chương trình ưu đãi. Điều này có nghĩa không dễ để có làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn.

Chỉ những đơn vị có chi phí vốn đầu vào thấp được cho là sẽ có lợi thế cạnh tranh trong câu chuyện cho vay để khách trả khoản nợ vay khác. Trong đó, một số nhà băng quy mô lớn và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao như Vietcombank, MB, Techcombank… có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ chiếm lợi thế.

Việc cho vay để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác được kỳ vọng sẽ giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên, ông Cao Việt Hùng, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, chính sách mới này sẽ không phải là "cây đũa thần" cho khách vay muốn đảo nợ.

Bởi vì, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản bảo đảm, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản bảo đảm tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản bảo đảm để đi vay tại ngân hàng mới.

Thông thường, các “bank” sẽ áp dụng phí phạt từ 1% - 3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1 – 5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ.

“Khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản bảo đảm (LTV) là khác nhau giữa các ngân hàng. Do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các nhà “bank” từ trước đến nay vẫn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.

Mai Ngọc