Góc nhìn chuyên gia: Sau Nghị định 08, doanh nghiệp cần phải làm gì để giải quyết khó khăn đối với vấn đề trái phiếu

Mai Ngọc

10/03/2023 08:26

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể nào “thở phào nhẹ nhõm”, khi mà vẫn còn rất nhiều việc phải làm để dứt điểm các khoản nợ trái phiếu hiện nay.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn DKRA Việt Nam cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý đã có. Tuy nhiên, để DN có thể tự “cứu” mình, cần sự đồng thuận và hỗ trợ của tất cả các bên, trong đó có sự đồng thuận từ trái chủ. Trong bối cảnh niềm tin của các trái chủ “chạm đáy” như hiện nay thì các DN không thể chỉ “hứa suông” mà đòi hỏi phải có một phương án kinh doanh chi tiết, hoạch định dòng tiền trả nợ một cách cụ thể thì mới có thể thuyết phục trái chủ đồng thuận.

Nghị định 08 đồng thời “bật đèn xanh” cho các DN có thể đẩy mạnh triển khai cơ chế đổi trái phiếu lấy tài sản (nhưng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự). Nghị định cũng được kỳ vọng giúp hình thành khung hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn, giúp thị trường phục hồi và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS khuyến cáo, với các quy định này, doanh nghiệp phải nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. Ngược lại, các trái chủ cũng cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản, thông tin sát thực về hoạt động sản xuất của DN để tránh bị thiệt hại về sau. Ví dụ như DN tạo áp lực buộc trái chủ phải chấp nhận gia hạn nợ với nhiều điều kiện bất lợi cho họ. Điều này có nghĩa là trái chủ có thể phải chấp nhận thực tế vì không có lựa chọn nào khác. Rủi ro trước mắt có thể giảm bớt, nhưng rủi ro đó chưa được xử lý dứt điểm mà lại được đẩy lùi về tương lai trong 1 - 2 năm tới khi gặp phải trường hợp doanh nghiệp không thể tái cấu trúc tài chính thành công và việc không thể thu nguồn lực trả nợ. Do vậy, để tạo ra được chuyển biến tích cực thì sau Nghị định 08, các DN phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có được phương án gia hạn nợ hợp lý hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường. 

334053192-767184181594300-7076082167349385596-n-1678350319.jpeg
Doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu. Ảnh: MN

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền, nhất là tích cực tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

Song song với đó là thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận bán lỗ để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay và để tồn tại trước rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Ngoài ra, theo vị này, việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08. Vì vậy, vấn đề cần được quan tâm xem xét, tháo gỡ tiếp theo là việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý cho doanh nghiệp và người dân. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho hay, việc giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm là khoảng 120.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp bất động sản năm 2023 và 110.000 tỷ đồng năm 2024 là cần thiết song sẽ đẩy áp lực lùi về các năm tiếp theo.

Do đó, theo chuyên gia, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang. Song song với đó, doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30-40%, đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí.

Theo VNDirect, để thị trường TPDN phục hồi cần có thêm giải pháp đồng bộ. Ví dụ có nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ DN để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các DN bất động sản phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Ngoài ra cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

Mai Ngọc