Góc nhìn chuyên gia: Phương hướng nào cho ngành du lịch trong nước hiện nay?

Gia Bảo

16/11/2023 11:20

Tại Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra các vấn đề của ngành du lịch hiện nay. Đồng thời, cũng đưa ra phương hướng nhằm cải thiện chất lượng ngành du lịch trong nước.

Theo Chuyên gia Võ Trí Thành, vấn đề đầu tiên là làm thế nào hạn chế rủi ro, thách thức đối với du lịch Việt Nam hiện nay. Vấn đề thứ hai là bán hàng.

Đối với vấn đề nhận thức, ba ví dụ ngắn gọn mà ngành du lịch có thể mắc phải hiện nay. Du lịch là quá khứ, hiện tại, du lịch cũng là tương lai, du lịch là truyền thống, là văn hóa, là phát triển bền vững. Du lịch là ngành kinh doanh, ngành kiếm tiền rất quan trọng. Du lịch là ngành kết hợp với rất nhiều ngành, đặc biệt là kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa.

“Với 3 đặc trưng rất lớn của du lịch, du lịch đòi hỏi hệ sinh thái rất đầy đủ. Chúng ta hay nói cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng tôi nhấn mạnh đòi hỏi giới chuyên môn của rất nhiều lĩnh vực phải vào cuộc, các nhà văn hóa, kinh tế, kinh doanh, kiến trúc, lịch sử, môi trường, giáo dục… chứ chúng ta không nói chung chung hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Võ Trí Thành, du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ, vai trò rất quan trọng. Đây cũng là ngành kinh doanh dịch vụ tinh xảo nhất, tinh tế nhất bởi nó chạm đến trái tim, chạm đến một loạt từ ngắn gọn: "con người là trung tâm", nhưng đằng sau đấy là cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết, khám phá, tận hưởng và giao hòa.

img6422-17000153857081322297074-1700108795.jpeg
Chuyên gia Võ Trí Thành. Ảnh: VGP.

Với tư duy như vậy, xin lấy 3 ví dụ về rủi ro. Rủi ro thứ nhất là dành rất nhiều đất đai cho du lịch, cho những công trình lớn của du lịch, nhưng nếu không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định, rất dễ sa vào 2 cái vấp: Quá trình đô thị hóa đất đai nhanh hơn quá trình đô thị hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đấy là một nguy cơ rất lớn. Cái nữa là kinh tế không đủ cho hoạt động, đôi khi người ta núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản theo nghĩa truyền thống.

Ví dụ thứ hai là vấn đề cạnh tranh về đáy của các địa phương. Cái này trong thu hút đầu tư nước ngoài nói nhiều rồi, trong du lịch hiện nay cũng có. Và như vậy, ở đây đối với du lịch đặt ra là cần du lịch đại chúng. Đây là quyền được tiếp cận, quyền được thụ hưởng của người dân, cần đẩy mạnh. Du lịch đại chúng này không ngăn cản, không loại bỏ du lịch chất lượng rất cao.

Ví dụ thứ ba là sản phẩm, chúng ta nói rất nhiều về loại hình tâm linh, nghỉ dưỡng, sức khỏe… nhưng du lịch, sản phẩm du lịch, là chân trời sáng tạo vô biên, giống như trong toán học là sự tổ hợp chập của rất nhiều: quá khứ, hiện tại, tương lai, kinh tế văn hóa, kinh tế sáng tạo, truyền thống văn hóa lịch sử.

“Tôi xin nói, với vẻ đẹp như Quảng Bình không gì mà không có lễ hội hoành tráng như Black pink, tức là gắn thế hệ gen Z với phát triển bền vững, với những lễ nhạc hội, với khám phá thiên nhiên, tức là chúng ta hòa trộn những loại hình sản phẩm gắn với rất nhiều chiều cạnh và những lễ hội như thế. Hay lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, nếu chỉ là pháo hoa thì dừng ở đấy, nhưng nếu chúng ta biết kết hợp thì nó là cả một chân trời sáng tạo. Đấy là 3 ví dụ tôi chia sẻ để chúng ta tránh được rủi ro và có thể phát triển”, Chuyên gia Võ Trí Thành cho biết.

Theo vị chuyêng gia này, vấn đề tiếp theo là bán hàng. Việt Nam bán hàng so với Thái Lan là kém. Việt Nam có nghịch lý chặt chém nhưng giá lại rất rẻ so với tiềm năng. Vài ý liên quan đến bán hàng, thứ nhất là hiểu khách hàng và đối tác. “Chúng ta phải hiểu hơn rất nhiều phân khúc khách hàng người già, lớp trẻ, các loại hình thu hút họ như thế nào và so sánh của chúng ta với quốc tế”. Đặt mục tiêu từ thị trường và khát vọng; nếu đặt mục tiêu không thực hiện được thì lý giải vì sao, phải sâu sát hơn rất nhiều, tham vọng hơn rất nhiều.

Ý thứ hai là quảng bá, chúng ta nhận được 54 giải thưởng, nhưng sâu sắc hơn, quảng bá của chúng ta phải từ tính độc đáo, khác biệt, bản sắc, thêm cả sự huyền bí. Quảng bá hình ảnh, Việt Nam chưa làm được.

Thứ ba là nguồn lực, ở đây ai cũng nói nhiều rồi, nhất là quỹ phát triển du lịch được Thủ tướng ký từ năm 2018 và đã có hàng trăm tỷ, nhưng không tiêu được. Lý do rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là "chất nhà nước", "chất hành chính" nhiều quá và bộ máy thực thi không có cơ chế để làm.

Như vậy, quỹ này cần cải tổ, tư tưởng là phải xã hội hóa, vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi, phải có hội đồng của quỹ này, đại diện của các bên… để đề ra ý tưởng. Sân chơi trước nhất của quỹ này là những sự kiện xúc tiến du lịch lớn, thứ hai là vấn đề đổi mới sáng tạo (có thể là cuộc thi), ba có thể là một số vấn đề đào tạo lại. Đặc biệt là đào tạo cấp cao và phải có cơ chế để thực hiện tốt nhất những ưu tiên, ưu đãi ấy.

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, du lịch năm vừa rồi có sự phục hồi tương đối tốt. "Tương đối" bởi vì chưa hết tầm và còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Du lịch chưa đạt kỳ vọng mặc dù nỗ lực rất nhiều, đã "thông" một vài điểm nhưng chưa thông suốt.

Trong đánh giá toàn bộ cấu trúc của du lịch như một ngành tổng hợp mang tính hệ thống, tính quốc gia, tính quốc tế, chúng ta phải xem "thông" như thế đủ chưa và thông suốt không?

“Tôi cho rằng, có nhiều vấn đề "thông" nhưng thông suốt là chưa đủ, vì thế có chỗ vẫn bị tắc. Nếu hệ thống chỉ bị tắc một chỗ nào đó, thì những cái "thông" khác trở nên ít giá trị, sẽ không đồng bộ. Và du lịch là điển hình của câu chuyện này. Nguyên tắc chung là chúng ta phải xem hệ thống cơ chế, chính sách, điều hành "thông" như thế nào”, ông Thiên chia sẻ.

anh-1-2-jpg-1659083389-7827-1659083708-860x0-1700108904.jpeg
PGS.TS Trần Đình Thiên.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời gian qua đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa, nhất là những lúc khó khăn. Tuy nhiên, du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. Ở một số điểm du lịch lớn, tình trạng khá gay go như ở Phú Quốc. Cần phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này.

Ở phần kích cầu, chúng ta đã kích được lúc đầu, tiêu dùng "trả thù" bùng lên sau COVID-19, nhưng sau này thu nhập của người dân không được hỗ trợ, người dân bắt đầu "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

Thứ hai, về phía các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, thì vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.

“Về cơ chế, câu chuyện mở thị thực còn chậm. Sau khi Bộ Công an mở ra, đã có sự tích cực lên. Nhưng chúng ta cần tính đến tinh thần cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh bình thường mà cạnh tranh vượt. Việt Nam đi sau thì phải nỗ lực vượt. Tư duy về mở cửa hội nhập, những chuyến đi của lãnh đạo để kéo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã mở ra tương lai hội nhập lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, visa du lịch, hộ chiếu du lịch của chúng ta còn chậm.

Cuối cùng, chúng ta phải có tầm nhìn xa, phải đặt mục tiêu cao, mang tính thách thức, để biến thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp. Hiện nay, thế mở của đất nước đang rất tốt, chúng ta phải làm sao cho du lịch tương xứng với tầm đấy thì cách tiếp cận về mặt chiến lược mới toàn diện được”, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra đánh giá.

PGS.TS Trần Đình Thiên còn cho rằng, tương lai của Việt Nam là mở về mặt tài chính, mở về thương mại, mở về mặt đầu tư thì du lịch phải mở ra ở tầm cao, lớn như vậy. Nếu không xây nhiều sân bay nhưng ít kết nối với nước ngoài, các hãng hàng không không phát triển tốt và sẽ đánh mất cơ hội rất lớn.

Do đó, nên định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội trỗi dậy. Cơ hội hiện nay vẫn đang mở ra rất lớn. Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhất là làm hạ tầng, đầu tư công, tạo các điều kiện thuận lợi, mở cửa hội nhập. Cần làm sao mở ra tiếp để cho ngành du lịch chớp thời cơ.

 

Gia Bảo