Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (doanh nghiệp chuyên làm NƠXH) cho rằng, có những trường hợp mua NƠXH tại thời điểm còn khó khăn. Sau đó, người mua khá giả lên, nên mới thấy ở nhiều chung cư NƠXH có xe ô tô đậu.
Trường hợp khác, người có tiền nhờ người thân là đối tượng và đủ điều kiện mua NƠXH đứng tên giùm. Những người đứng tên giùm này cũng chỉ hưởng được một lần mua NƠXH. Nếu sau này có nhu cầu thì không còn mua NƠXH được nữa.
Còn trường hợp là người khá giả nhưng hồ sơ khai thuế không có, vì nhà nước không quản lý được nguồn thu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng NƠXH lọt vào tay người giàu là bởi các đối tượng đầu cơ, nhờ người khác đứng tên mua nhiều căn để sau này bán kiếm chênh lệch.
Theo ông Nghĩa: “Cách duy nhất loại bỏ tình trạng trên là quản lý tại căn hộ. Khi cho đăng ký tạm trú phải là người đứng tên trên hợp đồng, người thuê cũng không được và người mua lại cũng không được đăng ký tạm trú tạm vắng. Nếu có tạm trú con cái mới đăng ký học, khám chữa bệnh được… Nếu không, các vấn đề liên quan đến cư trú cũng sẽ gặp rắc rối.
Cũng theo vị giám đốc này, luật quy định phải ở, không được cho thuê, bán lại. Do đó, nếu quản chặt việc đăng ký tạm trú tạm vắng thì người giàu sẽ không thể ở trong các căn NƠXH vì họ đã quen sống trong nhà cao cửa rộng.
Khi không bán, không cho thuê được, thì người giàu sẽ không mua nữa, bởi vì không có lợi nhuận. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế được 80 - 90% tình trạng NƠXH vào tay người giàu.
Còn Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nguyên nhân dẫn đến tình trạng “người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội” hoặc có “người giàu” là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về NƠXH tưởng chừng “rất chặt chẽ”, nhưng thực ra là “chưa chặt chẽ” và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể “lách”.
Cụ thể, đối với tiêu chí “điều kiện về nhà ở” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. HoREA cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”.
Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.
Hiệp hội kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thì mới kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”.
Đối với tiêu chí “điều kiện về thu nhập” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo Hiệp hội, Điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NƠXH “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
“Quy định này có các “lỗ hổng” và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội” hoặc có “người giàu ở lẫn” trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua.
Trong thực tế, nhiều người làm thêm “nghề tay trái”, mà “nghề tay trái” này lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của “nghề tay phải” thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức, nên “người này” vẫn hội đủ tiêu chí “điều kiện về thu nhập” (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân) để được mua, thuê mua nhà ở xã hội…”, HoREA cho biết.
Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp, trong đó tại khoản 7 và khoản 8 điều 4 quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng…; Thu nhập từ kiều hối”.
Hiệp hội đề xuất đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế”, thì cần bổ sung thu nhập chịu thuế còn bao gồm “các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương”.
Do vậy HoREA nhận thấy, rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Để NƠXH đi được đúng đối tượng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS VN cho rằng: “Cần đưa công nghệ vào quản lý bất động sản. Tất cả quản lý được hết, từ việc giao dịch đến sở hữu. Thứ nữa, NƠXH không nên để bán mà để cho thuê. Lâu nay hơn 90% NƠXH là để bán nên các đối tượng đầu cơ, người có tiền mua gom để bán kiếm chênh lệch. Nhưng khi chỉ cho thuê thì mấy ông nhà giàu sẽ không mua vì không có lợi nhuận".
Trên phương diện pháp luật, Th.S Đặng Hoa Trang (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, nên có cơ quan riêng chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề về NƠXH, các công đoạn từ giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, đến thiết kế, xây dựng, quản lý, phân bổ nhà giống như Singapore có Ủy ban nhà ở và phát triển (HDB) chuyên lo NƠXH cho người dân. Làm được vậy sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí, giúp đảm bảo nguồn cung NƠXH và giúp người dân nghèo dễ mua được nhà.