Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình - Bùi Thị Thanh Thúy: Chúng tôi luôn cố gắng để đưa thông tin tốt nhất về Quảng Bình đến khách du lịch

Đinh Loan

28/05/2023 06:55

Quảng Bình được định hướng là điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á, gắn với vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Quy hoạch của tinh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Quyết định số 377 ngày 12/4/2023. Với vai trò và nhiệm vụ của mình, chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới chúng tôi đã phỏng vấn bà Bùi Thị Thanh Thúy- Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình.

PV: Thưa bà, trong những năm qua, du lịch Quảng Bình được bạn bè trong nước và quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, cuối quý 1, Quảng Bình được Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà phê duyệt với định vị Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam và trở thành Trung tâm du lịch mạo hiểm Châu Á. Vậy với vai trò của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình, thời gian qua đơn vị đã có vai trò và hoạt động gì nổi bật trong hoạt động xúc tiến của tỉnh?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Du lịch Quảng Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình thực hiện các công việc được giao về thông tin, quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ khách du lịch, góp phần vào công tác của Sở Du lịch trong việc thúc đấy phát triển ngành du lịch Quảng Bình trong thời gian qua.

Trung tâm đã tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển các kênh quảng bá du lịch Quảng Bình trên các nền tảng số, góp phần duy trì được kết nối thường xuyên, liên tục giữa khách du lịch với du lịch Quảng Bình.

Thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Bình đến các doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế với nhiều phương thức đa dạng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện nhiều nội dung quảng bá phong phú thông qua các hội chợ du lịch, hội nghị xúc tiến đầu tư, các kênh thông tin đối ngoại của tỉnh, các chương trình, sự kiện văn hóa thể thao du lịch của Quảng Bình, các tỉnh thành phố trong cả nước và một số thị trường nước ngoài.

bui-thi-thanh-thuy-1-1685231547.jpg
Bà Bùi Thị Thanh Thúy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình.

Các hoạt động được Ban tổ chức các chương trình, khách du lịch đánh giá cao. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp hiệu quả với các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc lồng ghép kết hợp các hoạt động truyền thống quảng bá điểm đến gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại, sự kiện của các tổ chức đoàn thể…

Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ khách du lịch, cung cấp rộng rãi thông tin về điểm đến, thông tin hỗ trợ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, ga tàu, bến xe, sân bay, các đơn vị hoạt động du lịch. Tiếp nhận và xử lý nhanh, kịp thời các kiến nghị của khách du lịch qua đường dây nóng du lịch Quảng Bình, qua kênh mạng xã hội, ứng dụng phản ánh hiện trường của tỉnh (Quảng Bình – S)…

Mặc dù tuổi đời còn non trẻ, được chuyển giao từ Sở VHTTDL sang Sở Du lịch trong bối cảnh du lịch còn gặp nhiều khó khăn từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã có nhiều nỗ lực và được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ VHTTDL cho tập thể và nhiều cá nhân trong đơn vị.

PV: Thưa bà, trong hoạt động du lịch, mọi người hay nhắc đến cụm từ famtrip, xem famtrip là một hoạt động hết sức quan trọng của du lịch. Vậy bà nói sơ qua hoạt động này và Quảng Bình đã có những hoạt động quan trọng nào?

Bà Bùi Thị Thanh Thúy: Như các bạn đã biết, famtrip là hoạt động quan trọng trong việc giới thiệu điểm đến tới các doanh nghiệp, xúc tiến các đơn vị xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình tham quan mới và kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch tại các thị trường với các doanh nghiệp tại điểm đến (B2B).

Là địa phương có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch tuy nhiên trong điều kiện xuất phát điểm chưa cao, du lịch Quảng Bình vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch và nâng cao nhận diện thương hiệu điểm đến, các khu, điểm tham quan, sản phẩm dịch vụ tới doanh nghiệp, khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Do đó, famtrip là một hoạt động quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp và lan tỏa, tạo hiệu ứng về quảng bá.

z4382800875945-414f34a95192f22fa6ca390cc21d5d41-1685233127.jpg
Du lịch Quảng Bình thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, Trung tâm đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan, lựa chọn tổ chức các chương trình famtrip của các thị trường mục tiêu quan trọng như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ… và phối hợp đón các đoàn famtrip từ các thị trường quốc tế trọng điểm.

Những năm qua, Trung tâm đã ký kết hợp tác với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội trong việc quảng bá và kết nối phát triển các sản phẩm du lịch Quảng Bình.

Trung tâm đã phối hợp đón hơn 100 các doanh nghiệp lữ hành thuộc CLB lữ hành UNESCO Hà Nội khảo sát và sau đó hình thành sản phẩm du lịch Hà Nội – Quảng Bình bằng bằng tàu hỏa thuê trọn gói (charter tàu hỏa). Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức chương trình Famtrip khám phá, trải nghiệm du lịch Phong Nha.

Trung tâm là đơn vị đầu mối của Sở Du lịch trong việc liên kết du lịch của khối các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam – Đà Nẵng; khối liên kết Bắc Trung Bộ mở rộng – TP.HCM – Hà Nội với nhiều hoạt động famtrip, kết nối điểm đến vùng từ năm 2018 đến nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Định hướng của ngành du lịch Quảng Bình... 2021-2030

“Du lịch Quảng Bình sẽ phát triển theo hướng khám phá thiên nhiên, hang động, văn hóa lịch sử, thể thao, biển, nghỉ dưỡng cao cấp.Các khu du lịch trọng điểm gồm Phong Nha – Kẻ Bàng; thành phố Đồng Hới và biển phụ cận; trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên phía Nam; khu vực phía Bắc và Vũng Chùa – Đảo Yến.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Bình – nơi hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ được đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để trình Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia và trình UNESCO công nhận thêm danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ phát triển sản phẩm đặc thù là thám hiểm hang động, sinh thái bảo tồn thiên nhiên, cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, tìm hiểu đa dạng sinh học, khảo cổ; trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp Đông Nam Á.

Du lịch cao cấp gắn với nghỉ dưỡng biển, sân golf, vui chơi giải trí sẽ được phát triển ở thành phố Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận.

Phía Nam Quảng Bình phát triển các trung tâm văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên. Phía Bắc tỉnh và Vùng Chùa – Đảo Yến sẽ đầu tư cho du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, khám phá, công viên chủ đề mạo hiểm.

Quy hoạch cũng định hướng đưa kinh tế biển tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng".

 

Đinh Loan