Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Mai Phương

03/12/2024 15:39

Trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước: “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030” (Mã số ĐTĐLXH.07/22), ngày 3/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển phối hợp cùng Viện Kinh tế Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030”.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp về các vấn đề đặt ra và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh cách mạng 4.0.

phat-trien-nguon-nhan-luc-khcn-pld-1733222259.jpg
Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm Đề tài  cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã luôn nhất quán khẳng định KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định rõ mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu nhất định, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân và công tác giảm nghèo, hội nhập quốc tế càng sâu rộng và dần trở thành mắt xích quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù đạt được những thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những điểm hạn chế, như: thiếu các sản phẩm, thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm xuất khẩu chính do người Việt sản xuất có giá trị gia tăng còn thấp, các sản phẩm công nghệ cao phần lớn do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm chủ, khu vực nội địa tham gia vào chuỗi toàn cầu còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, với quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, doanh thu hạn chế, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ tập trung cho những hoạt động sản xuất kinh doanh cho lợi nhuận trước mắt; trong khi đó, năng lực KHCN trong các doanh nghiệp là yếu tố quyết định năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, quan tâm, đầu tư đúng mức.

“Một trong những hạn chế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nói riêng là thiếu vắng nhân lực KHCN, chưa phát huy được vai trò của lực lượng xã hội quan trọng này cho phát triển doanh nghiệp. Nhà nước vẫn chưa có đủ cơ chế, chính sách đột phá trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ nhân lực KHCN đối với sự phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sự thiếu vắng nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp trở thành rào cản trong việc thực hiện chính sách liên kết giữa ba nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN” - TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nhận định.

ts-dang-vu-canh-linh-pld-1733222259.jpg
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm Đề tài “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo đánh giá của TS. Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, trong những năm vừa qua, nhân lực trong lĩnh vực KHCN có xu hướng tăng khá nhanh. Chủ yếu tập trung tăng nhanh đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn 2015-2021, số lượng cán bộ nghiên cứu tăng từ 131.045 người lên 156.588 người (tăng hơn 25.000 nhà nghiên cứu). Tuy nhiên, số lượng nhân viên hỗ trợ khoa học cũng giảm khoảng hơn 4.000 người trong giai đoạn này. Xu hướng này do chính sách tinh gọn bộ máy nhằm gia tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động của các đơn vị nghiên cứu.

Về trình độ của nhân lực KHCN, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các tổ chức giáo dục đại học có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm phần lớn, còn lại là đào tạo đại học và chỉ một số nhỏ có trình độ cao đẳng tham gia các công việc hỗ trợ hoạt động nghiên cứu giảng dạy. Tuy nhiên, nhân lực khoa học trong khu vực doanh nghiệp, trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp phần lớn có trình độ đại học, tỷ lệ có bằng tiến sĩ còn khá nhỏ. Như lao động KHCN trong khu vực doanh nghiệp năm 2021 có tỷ lệ tiến sĩ chỉ chiếm 1%, tỷ lệ thạc sĩ chiếm 5,7% tổng số nhân lực làm việc về nghiên cứu phát triển.

ts-le-van-hung-pld-1733222259.jpg
TS. Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng.

Bàn về thực trạng nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, TS. Trần Thị Hoa Thơm – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhân lực KHCN trong khu vực doanh nghiệp đang gia tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng lực lượng R&D cả nước. Theo số liệu từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, năm 2021, tổng số nhân lực R&D cả nước đạt 187.298 người, trong đó khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 17,73%, tương đương 33.211 người. So sánh quốc tế, Việt Nam có 779.3 nhà nghiên cứu trên 1 triệu dân, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Singapore (7.488,4), Mỹ (4.932,3), và Đức (5.824,6) và thấp hơn cả Thái Lan (1699,1). Điều này cho thấy, xét về quy mô, nhân lực KHCN trong doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ, chưa đủ đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ trong nền kinh tế.

Trong tổng số 33.211 nhân lực KHCN khu vực doanh nghiệp, cơ cấu phân bổ công việc không đồng đều: Cán bộ nghiên cứu Chiếm tỷ lệ cao nhất (85.22%) với 28.302 người; Cán bộ kỹ thuật, đảm nhận các nhiệm vụ hỗ trợ triển khai, chỉ chiếm 10.86%; Cán bộ hỗ trợ luôn duy trì ở mức thấp, chiếm 3.92%. Dù số lượng cán bộ nghiên cứu chiếm tỷ lệ áp đảo, nhưng sự thiếu cân đối trong cơ cấu cho thấy đội ngũ nhân lực hỗ trợ kỹ thuật và triển khai ứng dụng vẫn còn yếu, làm giảm hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Chất lượng nhân lực KHCN tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ R&D chủ yếu có trình độ đại học, chiếm khoảng 75%, trong khi tỷ lệ cán bộ cótrình độ tiến sĩ chỉ đạt 1%. Điều này phản ánh sự thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên sâu để dẫn dắt các dự án công nghệ phức tạp. So sánh với các nước khác, chi tiêu cho R&D tại Việt Nam chỉ chiếm 0.4% GDP, thấp hơn rất nhiều so với Singapore (2.2%), Trung Quốc (2.4%) và Mỹ (3.6%). Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế về chất lượng nhân lực KHCN trong doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Thị Hoa Thơm, Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực. Việc phát triển và khai thác hiệu quả nhân lực KHCN trẻ đã trở thành ưu tiên chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nhân lực KHCN trẻ không chỉ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số mà còn là động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong việc phát triển nhân lực KHCN trẻ. Bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nguồn lực trẻ dồi dào, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, nhân lực KHCN trẻ tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức lớn. Những rào cản này không chỉ xuất phát từ bên trong hệ thống đào tạo và thị trường lao động trong nước mà còn chịu tác động từ sự cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi quốc tế.

Cụ thể, nhân lực trẻ tại Việt Nam thường được đào tạo tốt về lý thuyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế và kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, quản lý dự án và giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc hiện đại. Sự thiếu hụt cơ sở vật chất hiện đại và nguồn tài trợ cho các hoạt động R&D. Sự thiếu liên kết giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động, các chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học chưa được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng sinh viên không có đủ kỹ năng cần thiết khi gia nhập thị trường lao động. Nhiều công trình nghiên cứu tại Việt Nam không được thương mại hóa hoặc chuyển giao thành các ứng dụng thực tế do thiếu đầu tư và sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, nhân lực KHCN trẻ tại Việt Nam còn đối diện với hàng loạt thách thức lớn từ môi trường quốc tế, sự thiếu hụt kỹ năng số, và hạn chế trong công tác đào tạo lại. Những thách thức này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành KHCN.

“Để phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực KHCN trẻ, Việt Nam cần những giải pháp đột phá trong cải cách cơ chế chính sách, đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và chuyển đổi mô hình lao động. Đồng thời, việc tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, hội nhập quốc tế và đầu tư vào công nghệ cao sẽ là những yếu tố quyết định giúp Việt Nam phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sáng tạo, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.” - TS. Trần Thị Hoa Thơm kết luận.

ts-tran-thi-hoa-thom-pld-1733222259.jpg
TS. Trần Thị Hoa Thơm – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng nhân lực trẻ, với sự năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh chóng, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ không chỉ là lực lượng lao động chủ chốt mà còn là nguồn động lực cho sự chuyển mình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và cải tiến quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số đang tạo ra những tác động sâu rộng đến lực lượng lao động trẻ, mang lại cả cơ hội và thách thức. Những lợi ích như: nâng cao năng suất, mở ra cơ hội học tập và khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đã tạo ra một môi trường làm việc năng động và linh hoạt hơn. Bên cạnh đó là những thách thức như: cạnh tranh kỹ năng, áp lực đổi mới và hạn chế về nguồn lực tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Để tận dụng tối đa những cơ hội mà AI mang lại, cần có sự đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng, cũng như xây dựng một môi trường làm việc an toàn và bền vững. Chỉ khi đó, lực lượng lao động trẻ mới có thể phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số” - PGS. TS Bùi Quang Tuấn cho hay.

Mai Phương