Gia tăng cạnh tranh giữa Samsung và TSMC trong lĩnh vực bán dẫn

caodung

04/06/2020 07:08

Trong bối cảnh lệnh cấm vận của Mỹ đối với Huawei đang làm thay đổi cục diện ngành chế tạo chip, Samsung và TSMC đua nhau mở rộng công suất và phát triển các sản phẩm ưu việt hơn.

Giữa các biến chuyển lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, TSMC và Samsung, hai công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới gia tăng cạnh tranh nhằm củng cố vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng.

Ngày 21.5, Samsung tuyên bố đang xây dựng các dây chuyền sản xuất mới ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, để bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nanomet từ nửa sau năm 2021. Nhà máy này nhằm mở rộng thêm dây chuyền sản xuất tại Hwaseong, nơi Samsung dự định bắt đầu sản xuất các loại chip hàng đầu ngay năm nay. Hai nhà máy này sẽ sản xuất chip sử dụng công nghệ cực tím, một trong những kỹ thuật chế tạo chip tiên tiến nhất hiện có.

Thông báo về các dây chuyền mới được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra quy định kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn nhằm vào Huawei, yêu cầu bất kỳ công ty không phải Mỹ nào cũng phải có giấy phép nếu muốn sử dụng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ để sản xuất chip từ thiết kế của Huawei và các công ty con trong danh sách cấm (entity list). Quy định mới của Mỹ khiến TSMC rơi vào thế khó, vì công ty Đài Loan này là nhà sản xuất chip chính cho Huawei. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cấp ân hạn bốn tháng, áp dụng cho các chip đã được đặt hàng trước khi quy định mới được công bố. TSMC đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei.

TSMC trước đó thông báo dự định xây dựng và vận hành một cơ sở sản xuất tiên tiến ở Mỹ, sử dụng công nghệ 5 nanomet để chế tạo tấm bán dẫn. Việc xây dựng được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2021, với mục tiêu sản xuất bắt đầu vào năm 2024. Tổng chi tiêu của TSMC cho dự án này, bao gồm cả chi phí vốn, sẽ vào khoảng 12 tỉ USD từ năm 2021 đến 2029. Tính tại Đài Loan, mức đầu tư của TSMC vào công nghệ 5 nanomet, bao gồm cả chi phí R&D và một nhà máy chế tạo chip tiên tiến, đã lên đến 23 tỉ USD.

Samsung, trong khi đó, tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 110 tỉ USD vào chip hệ thống và các xưởng chế tạo chip của mình đến năm 2030. Samsung từ chối tiết lộ mức đầu tư vào nhà máy tại Pyeongtaek, nhưng một nguồn tin của Nikkei cho biết công ty dự định chi hơn 8 tỉ USD vào dự án.

Các nhà phân tích dự báo nóng lên trong cuộc cạnh tranh giữa Samsung và TSMC trong lĩnh vực chế tạo chip - về cơ bản là sản xuất chip cho các công ty khác, mặc dù Samsung cũng cần giải quyết những lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào một công ty cũng là đối thủ cạnh tranh. Tháng Tư, Huawei cho biết có thể phân bổ các đơn đặt hàng chip cho Samsung nếu Mỹ tiếp tục hạn chế các nhà cung cấp nước ngoài như TSMC giao dịch với công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei cũng cạnh tranh với Samsung trong cả lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông.

"Samsung chắc chắn là một đối thủ đáng gờm của TSMC," theo Eric Chen, nhà phân tích ngành bán dẫn kỳ cựu của Cornucopia Capital Partner. "Tuy nhiên, Samsung cũng là một đế chế sản xuất các thiết bị điện tử. Không một công ty công nghệ hay nhà phát triển chip nào trên thế giới mong muốn lấy nguồn cung nhiều linh kiện quan trọng từ đối thủ hoặc đối thủ tiềm năng. Đó luôn là vấn đề với Samsung”, ông Chen cho biết.

Theo Counterpoint Technology Market Research, Samsung hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, với 20% thị phần lô hàng toàn cầu trong quý đầu 2020. Huawei và Apple đang cạnh tranh quyết liệt với vị trí thứ hai, với công ty Trung Quốc hiện đang giữ vị trí số 2 với 17%, tiếp theo là công ty Mỹ với 14%. Ngược lại, TSMC chỉ thực hiện hợp đồng sản xuất chip và không có bất kỳ hoạt động kinh doanh tiêu dùng nào cạnh tranh với các khách hàng của mình. Đó là lý do TSMC được ưa chuộng hơn khi các công ty chọn nhà cung ứng chip, theo ông Chen.

Việc bổ sung các dây chuyền 5 nanomet là vô cùng quan trọng để Samsung có thể mở rộng vị trí trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng. TSMC hiện kiểm soát hơn một nửa thị phần chế tạo chip toàn cầu tính theo doanh thu, tiếp đó là Samsung với khoảng 15%, theo dữ liệu từ TrendForce. Hai công ty cũng cạnh tranh trong việc sản xuất chip công nghệ cao. Kích thước nanomet càng nhỏ, chip càng tiên tiến và do đó việc sản xuất càng tốn kém và thách thức.

TSMC và Samsung đang dẫn đầu cuộc đua, tiếp theo là Intel. Giai đoạn đầu tiên của "Nhà máy 18" của TSMC, một cơ sở sản xuất chip quy mô lớn ở Đài Loan, sẽ sớm cho ra lò các loại chip 5 nanomet, chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay để sử dụng cho iPhone 5G sắp ra mắt. Sản phẩm tương tự của Samsung có thể sản xuất hàng loạt trong nửa cuối năm nay, trong khi Intel đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 10 nanomet kém tiên tiến hơn vào nửa cuối năm 2020.

Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, từ lâu đã nuôi dưỡng tham vọng đối đầu TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng. Samsung cũng đạt được thành công nhất định, khi thuyết phục cả Qualcomm và Nvidia - hai khách hàng chính của TSMC - chuyển một số đơn đặt hàng chip sang công ty Hàn Quốc. Nhưng vị thế nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu của Samsung vẫn tiếp tục cản trở tham vọng này. Chẳng hạn, Samsung từng được iPhone chia đơn hàng sản xuất chip xử lý di động với TSMC, nhưng hiện công ty Đài Loan là nhà cung cấp duy nhất đối với các chip di động cao cấp. Apple vẫn mua màn hình và chip nhớ tiên tiến từ Samsung nhưng tránh phụ thuộc nhiều vào đối thủ điện thoại thông minh cho nguồn chip xử lý quan trọng.

"Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm thế nào [Samsung] có thể có một danh mục khách hàng ổn định", Lee Seung-woo, một nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities cho biết. "Điều quan trọng [đối với Samsung] là thiết lập một chiến lược trung và dài hạn cẩn trọng về cách thức mở rộng các đơn đặt hàng từ các khách hàng hiện tại như Qualcomm và Nvidia cũng như lấy lại các khách hàng quan trọng trước đây như Apple và Xilink".

Theo Nikkei Asian Review

caodung