Để hiện thực hóa mục tiêu này, MWG sẽ triển khai các hành động chính như sau:
Đầu tiên, đẩy mạnh sản lượng bán ra thay vì tập trung vào việc nâng cao biên lợi nhuận do chi tiêu của người tiêu dùng có khả năng bị thắt chặt và tình trạng thiếu hụt các sản phẩm điện tử trên toàn cầu đang diễn ra.
Thứ hai, với chiến lược bán lẻ Omni-channel, MWG sẽ tận dụng thế mạnh sẵn có về công nghệ, liên tục đổi mới để tạo ra những khác biệt thú vị, đơn giản hóa trải nghiệm mua sắm trên kênh online để giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện và tăng sự gắn bó với các thương hiệu của tập đoàn.
Thứ 3, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền lại dòng tiền cho MWG. Hai chuỗi này sẽ khai thác thêm các sản phẩm, dịch vụ mới để gia tăng doanh số trên mỗi cửa hàng hiện hữu. Để tăng thị phần điện thoại - điện máy, MWG sẽ tiếp tục mở mới 200 cửa hàng điện máy diện tích siêu nhỏ, 40 cửa hàng TopZone. Hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cũng sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của TGDĐ và ĐMX ở nước ngoài và thử nghiệm mô hình bán lẻ tại các mảng kinh doanh mới.
Thứ 4, tạm ngưng mở mới đối với BHX, tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành vững chắc và tối ưu hiệu quả hoạt động để sẵn sàng nhân rộng trên toàn quốc từ năm 2023. BHX được kỳ vọng đạt lợi nhuận ròng bền vững vào cuối 2022.
Thứ 5, trước những dấu hiệu khả quan về khả năng sinh lời của chuỗi nhà thuốc An Khang, MWG sẽ đầu tư thêm nguồn lực tài chính và con người cho chuỗi này để đẩy nhanh việc mở rộng.
Cuối cùng, MWG sẽ tiếp tục đầu tư vào các đơn vị kinh doanh khác của mình như: Tận Tâm (dịch vụ lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng), Toàn Tín (logistics) và 4K Farm (rau quả).
Về kết quả kinh doanh của MWG, tính lũy kế 11 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 110.530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.395 tỷ đồng. Hai chỉ số này tăng trưởng lần lượt 11% và 22% so với cùng kỳ. Doanh thu online đóng góp 12.500 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 11% doanh thu toàn tập đoàn.
Trong cơ cấu doanh thu 11 tháng đầu năm, TGDĐ và ĐMX đóng góp 83.800 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ. Doanh thu online lũy kế đạt 11.660 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và chiếm 14% tổng doanh số của TGDĐ/ĐMX.
Xét theo ngành hàng, sản phẩm công nghệ (điện thoại, laptop, máy tính bảng) tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ 2020. Trong đó, laptop tăng trưởng cao nhất (tăng 52% so với cùng kỳ) nhờ hưởng lợi từ xu hướng làm việc và học tập tại nhà. Sản phẩm điện tử và điện lạnh hồi phục trong 2 tháng gần đây nhưng lũy kế vẫn tăng trưởng âm do mùa bán hàng cao điểm nhất trong năm rơi đúng vào đợt bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành gia dụng và phụ kiện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Đáng chú ý, 4 cửa hàng Topzone hoạt động tròn tháng 11 đóng góp hơn 110 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu trung bình hơn 25 tỷ đồng/cửa hàng/tháng và vượt xa kỳ vọng ban đầu.
Đối với chuỗi thực phẩm, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế đạt hơn 26.300 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Chuỗi vẫn đang duy trì EBITDA dương lũy kế ở cấp độ toàn công ty.
Tính đến hết tháng 11, MWG ghi nhận có 966 cửa hàng Thế Giới Di Động, 1.863 điểm bán Điện Máy Xanh, 2.026 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 50 điểm bán Bluetronics, 4 cửa hàng Topzone và 156 nhà thuốc An Khang.
Đặc biệt, mới đây Thế Giới Di Động còn công bố hợp tác cùng Công ty cổ phần Kinh doanh F88 đang sở hữu chuỗi cầm đồ cùng tên để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt. Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.