F0 trong cộng đồng chiếm 72% ca mắc, TPHCM chuẩn bị xét nghiệm toàn thành

Đức Anh

17/08/2021 21:57

Ngày 17-8, số ca F0 trong cộng đồng tại TP.HCM chiếm hơn 72% trong tổng số ca mắc. Trước tình hình đó TPHCM chuẩn bị xét nghiệm COVID-19 toàn thành, kế hoạch xét nghiệm kéo dài từ ngày 15/8 đến 15/9/2021.

Theo báo cáo của ngành y tế TPHCM, trong ngày 16-8, đa phần F0 phát hiện trong cộng đồng, với 1.769 trường hợp, chiếm 53%. Trong khi F0 trong khu phong tỏa chỉ có 41%, còn 6% là các ca nhập cảnh.

Tuy nhiên, trong ngày 17-8, Thành phố xét nghiệm 15.124 mẫu, ghi nhận 3.540 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 2.568 ca cộng đồng. Tính ra, tỉ lệ ca F0 cộng đồng trong ngày 17-8 chiếm đến 72% so với tổng số ca mắc (tăng 19% so với ngày 16-8), trong đó nhiều nhất là quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 3, huyện Hóc Môn... 

Tại quận Bình Thạnh trong ngày 17-8 phát hiện 345 ca COVID-19 mới, nhưng có đến 310 ca cộng đồng, như vậy tỉ lệ ca cộng đồng tại quận này chiếm 91% tổng ca mắc. Tương tự, tỉ lệ ca cộng đồng tại quận 3 là 82%, quận Tân Bình là 78%, huyện Hóc Môn là 98%.

Ngoài việc F0 trong cộng đồng tăng vọt, Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện có 28 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Để kiểm soát dịch bệnh, từ 0h ngày 16-8 đến hết ngày 15-9, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ, phát triển “vùng xanh”.

Tuy nhiên Công an TPHCM cho biết mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt người ra đường với hơn 120.000 phương tiện. Đợt giãn cách 30 ngày tiếp theo khi mở rộng thêm một số nhóm người được phép ra đường, dự báo lượng người ra đường sẽ còn đông hơn. Việc này đặt ra nhiều thách thức cho công tác chống dịch của Thành phố đợt dịch thứ tư này.

xet-nghiem-covid-19-nhaquanly2-1629210648.jpg

TPHCM sẽ có 2.000 - 2.500 tình nguyện viên tham gia vào hoạt động lấy mẫu.

Trước tình hình F0 trong cộng đồng tăng cao, TPHCM vừa ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn Thành phố, kéo dài từ ngày 15/8 đến 15/9/2021.

Theo đó tại các vùng bình thường mới (vùng xanh, vùng cận xanh), người dân sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 với người đại diện hộ gia đình. Tần suất là 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Vùng xanh và cận xanh có thể trở thành vùng sạch khi không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng có chỉ số CT lớn hơn hoặc bằng 30; Tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% (đối tượng trên 18 tuổi); có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.

Tại vùng nguy cơ (màu vàng), xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 với người đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển vùng vàng thành vùng xanh.

Trong khu vực phong tỏa, xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Tại đây, sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp) theo hộ gia đình. Có thể gỡ phong tỏa nếu kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngoài khu vực phong tỏa, xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Có thể giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều nguy cơ bằng cách xét nghiệm mẫu gộp.

Để đảm bảo an toàn khi xét nghiệm trên diện rộng, việc lấy mẫu phải có sự tham gia của tổ trưởng hoặc tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố. Địa điểm lấy mẫu có thể tại hộ gia đình hoặc vị trí thuận lợi, mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu.

Người dân có thể tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc do đội lấy mẫu của địa phương thực hiện. Nếu tự lấy mẫu, người dân được cung cấp dụng cụ lấy mẫu. Mẫu sau đó được đem về các phòng xét nghiệm.  Sau khi lấy mẫu, trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu về các nơi xét nghiệm 3 lần/ngày vào các khung giờ 11 giờ, 18 giờ và 23 giờ.

HCDC được giao nhiệm vụ phải chuẩn bị 1 triệu test nhanh/tuần; đồ bảo hộ, kính che giọt bắn, găng tay… đảm bảo cho việc lấy mẫu 200.000 người/ngày (gồm cả mẫu đơn và mẫu gộp). Dự kiến TPHCM sẽ có 2.000 - 2.500 tình nguyện viên tham gia vào hoạt động lấy mẫu.

Ngày 17/8, UBND TP HCM đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Theo đó số tiền và lương thực này dùng để hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng và lương thực cho người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội  theo Chỉ thị 16. Việc hỗ trợ này nhằm giúp người dân, lao động nghèo yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời thành phố sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19:   Tổng số ca được điều trị khỏi: 111.308 ca.  Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca.  Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.

Đức Anh