Dự thảo về ví điện tử của NHNN ban hành tiếp tục gặp nhiều góp ý

dang.pham

Nhiều vấn đề trong dự thảo về ví điện tử do Ngân hàng Nhà nước đề ra chưa hợp lý với thực tế tiêu dùng của người dân và việc đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt.

Sau khi Dự thảo Thông tư hướng dẫn dịch vụ ví điện tử do NHNN công bố gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đưa ra những góp ý về một số vấn đề chưa hợp lý của dự thảo.

Lo ngại về các vấn đề liên quan đặc biệt đến bảo mật thông tin, hay rửa tiền, NHNN đã ban hành dự thảo sửa đổi về ví điện tử để ngăn chặn các hành vi có thể ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của người tiêu dùng cũng như hệ thống tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn các lỗ hổng có liên quan đến hành vi dùng tiền mặt để thực hiện hành vi trái pháp luật vẫn chưa được giải quyết.

Về vấn đề hạn mức, VCCI cho rằng cần để khách hàng đăng kí theo mức hạn mức linh hoạt để đảm bảo nhu cầu chi tiêu. Các chuyên gia cũng đồng tình và cho rằng, biện pháp này đồng thời giúp việc theo dõi những giao dịch bất thường trở nên dễ dàng hơn vì mọi thông tin đều có thể lưu trữ.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử, hạn mức 100 triệu mà NHNN đưa vào trong dự thảo có thể rất thỏa đáng trong thời gian hiện tại nhưng lại không hợp lý trong thời gian tới. Lấy ví dụ việc một gia đình mua bốn suất du lịch Hàn Quốc đã là 120 triệu đồng, lớn hơn nhiều so với hạn mức mà dự thảo đề ra, gây khó khăn cho người dùng. Dưới góc nhìn của một chuyên gia mảng thương mại điện tử, ông Hưng cho rằng, cần đặt một ngưỡng cho khách hàng để họ đăng kí và các cơ quan có thể dễ quan sát.

Trong lần góp ý này, VCCI nhận định, việc xác thực thông tin khách hàng trong khi chưa cho phép khách hàng mở ví không thông qua tài khoản ngân hàng là không cần thiết. VCCI đề xuất sử dụng thông tin xác thực khách hàng thông qua ngân hàng.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo tổ chức hồi đầu tháng 5.2019, bà Nguyễn Thùy Dương Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst&Young chia sẻ, theo thống kê, chi phí định danh một tài khoản ngân hàng vào khoảng 300 nghìn đồng, chưa kể đến chi phí duy trì rất cao.

VCCI cũng đề cập tới việc dự thảo của NHNN quy định mỗi cá nhân chỉ sử dụng một ví. Theo ý kiến của NHNN, việc mở nhiều ví có thể gây ra tình trạng mở ví tràn lan, hoặc lợi dụng để mở nhiều ví phục vụ cho hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, phía VCCI có nhận định, các doanh nghiệp và khách hàng có thể tự đánh giá việc lãng phí khi mở thêm ví. Ngoài ra, theo VCCI, không rõ mối quan hệ giữa việc mở nhiều ví và việc thực hiện hành vi rửa tiền, bất hợp pháp. Hiện cũng không có quy định nào hạn chế số tài khoản thanh toán một khách hàng được mở tại một ngân hàng

Đồng ý với quan điểm trên, trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Nhà quản lý, ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cấp cao của công ty phân tích McKinsey nhận định, việc mỗi cá nhân chỉ được sở hữu một ví của một tổ chức sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường. “Điều mà NHNN Việt Nam nên tập trung là đưa ra những điều kiện tiêu chuẩn để cấp giấy phép hơn là việc hạn chế sự chọn lựa của khách hàng”, ông Reet nói.

Ngoài ra, VCCI cũng đóng góp nhiều ý kiến với NHNN về nạp tiền và sử dụng Ví thông qua tài khoản ngân hàng không liên kết với ví, việc báo cáo về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bằng văn bản (giấy), và việc đối soát số dư trên tài khoản bảo đảm thanh toán.

Tính đến tháng 2.2019, NHNN đã cung cấp giấy phép dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử) cho 29 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó bao gồm cả công ty viễn thông như Viettel. Tính đến cuối tháng 6.2018, Việt Nam có 43 triệu người, chiếm 60% người từ 15 tuổi trở lên sở hữu tài khoản ngân hàng. NHNN cũng mới trình Chính phủ về phương án thử nghiệm mobile money - hình thức ví điện tử của các nhà mạng viễn thông.

Liên quan đến Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, cuối tháng 4.2019, NHNN công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán.

Dự thảo đưa ra quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử trong đó đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.

Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch.



dang.pham