Những tập đoàn nào trên thế giới đã tiến hành cắt giảm nhân sự quy mô lớn vì khó khăn?

Huỳnh Quang

16/11/2022 12:07

Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã tiến hành hoặc sắp thực hiện việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Nguyên nhân chính xuất phát từ các khó khăn trong các hoạt kinh doanh, lợi nhuận suy giảm…

Meta

Meta, công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook, sẽ cắt giảm khoảng 13% nhân sự (tức khoảng 11.000 người).

Cụ thể, thông tin mới được Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg trực tiếp thông báo cho các nhân viên trong một thư gửi nội bộ ngày 9/11.

CEO Mark Zuckerberg cho biết đây là những quyết định thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử công ty. Theo đó, quy mô đội ngũ nhân viên sẽ giảm 13%, tức là hơn 11.000 người, sẽ phải ra đi.

facebook-meta-1668570399.jpeg
Meta sẽ cắt giảm 13% nhận sự.

Những người trong diện cắt giảm nhân sự sẽ nhận được khoản bồi thường tương đương thù lao 16 tuần làm việc cộng 2 tuần làm thêm cho mỗi năm cống hiến cho công ty. Meta cũng sẽ chi trả bảo hiểm y tế cho những người lao động thuộc diện tinh giảm này thêm 6 tháng.

Ngoài ra, công ty cũng thực hiện nhiều bước bổ sung để hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cắt giảm chi phí linh hoạt và tiếp tục tạm ngừng kế hoạch thuê nhân viên trong toàn quý I/2023.

Quyết định trên được đưa ra khi Meta đang trong giai đoạn khó khăn. Đầu năm nay, Meta công bố dự báo tình hình doanh thu quý IV/2022 ảm đạm khiến các nhà đầu tư lo ngại và khiến giá cổ phiếu của công ty giảm tới 20%.

Gần đây, các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi chi phí tăng khoảng 19% trong quý III/2022 so cùng kỳ năm ngoái lên mức 22,1 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu chung giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái xuống 27,71 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế và phí giảm 46% xuống còn 5,66 tỷ USD.

CEO Zuckerberg cho biết, Meta đang cố gắng cắt giảm chi phí của mỗi đơn vị trực thuộc nhưng kế hoạch nhân sự sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn vì công ty cũng dự định thuê ít người hơn trong năm 2023. Meta sẽ tiếp tục đóng băng kế hoạch này cho hết quý I/2023, chỉ thực hiện một số ngoại lệ cần thiết.

Twitter

Cuối tháng 10, sau khi nắp quyền, tỷ phú Elon Musk đã sa thải 4 nhân sự cấp cao của Twitter, trong đó có CEO Parag Agrawal.

Một tuần sau đó, Twitter đã gửi email tới một nửa nhân sự công ty, thông báo rằng họ đã bị sa thải, dù rất nhiều người trong số họ đang làm việc ngày đêm để đáp ứng những yêu cầu của ông chủ mới.

Từ ngày 4/11, Twitter vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh lọc lại toàn bộ nhân sự. Ước tính có khoảng 50% nhân sự buộc phải ra đi. Tuy nhiên, việc “thanh trừng” vẫn chưa dừng lại ở đó, khi vào ngày 14/11, Twitter chấm dứt hợp đồng với khoảng 4.400-5.500 nhân viên của các nhà thầu bên thứ ba.

twitter-sa-thai-nham-nhan-vien-1-1668570331.jpeg
Kể từ khi tiếp quản Twitter, tỷ phú Elon Musk đã mạnh tay thanh lọc nhân sự của MXH này.

Theo nhiều nguồn tin, hầu hết nhân sự bị sa thải trong đợt này không nhận được bất kỳ thông báo nào rằng họ đã bị chấm dứt hợp đồng. Mọi chuyện chỉ được phát hiện sau khi họ mất quyền truy cập vào email và không thể vào hệ thống liên lạc nội bộ của Twitter.

Đợt thanh lọc này bao gồm nhân sự Twitter tại Mỹ, nhân viên trên toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực như kiểm duyệt nội dung, bất động sản, tiếp thị, kỹ thuật và các bộ phận khác. Twitter giải thích việc cắt giảm nhân sự lần này là một phần của việc “tái cơ cấu và tiết kiệm chi phí vận hành".

"Về vấn đề cắt giảm nhân sự của Twitter, rất tiếc là không có lựa chọn nào khác khi công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày", Musk viết trên Twitter.

Amazon

Theo đó, tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon đang có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên bắt đầu từ tuần này. Đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong lịch sử của Amazon sẽ tập trung chủ yếu ở bộ phận thiết bị, bán lẻ và nhân sự. Số lượng trong diện sa thải chiếm gần 1% nhân sự trên toàn cầu của Amazon và khoảng 3% nhân sự tập đoàn.

Tính đến cuối năm 2019, Amazon có khoảng 798.000 nhân viên, nhưng tính đến 31/12/2021, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đã có 1,6 triệu nhân viên chính thức và bán thời gian. New York Times cho biết tổng số nhân sự bị sa thải "vẫn còn biến động" và có thể thay đổi.

Mùa mua sắm cuối năm là thời điểm quan trọng đối với Amazon. Công ty thường tăng cường tuyển dụng trong thời điểm này để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Nhưng ông Andy Jassy, người đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Amazon từ tháng 7/2021, lại thực hiện cắt giảm chi phí để bảo toàn dòng tiền khi doanh số bán hàng chậm lại và sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

image-4-1668570584.png
Amazon cũng đang có kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên.

Trước đó, Amazon cũng đã thông báo kế hoạch đóng băng tuyển dụng đối với các vị trí trong mảng bán lẻ. Trong những tháng gần đây, Amazon đã đóng cửa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đóng cửa gần hết trung tâm chăm sóc khách hàng ở Mỹ, loại bỏ robot giao hàng tự động, đóng cửa chuỗi cửa hàng truyền thống kém hiệu quả và đóng cửa hoặc hoãn hủy xây dựng một số nhà kho mới.

Amazon đã gây kinh ngạc cho giới đầu tư khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 đầy thất vọng hồi tháng 10. Điều đó đã khiến cổ phiếu giảm hơn 13%, vốn hóa thị trường rơi xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Việc bán tháo tiếp tục diễn ra nhiều ngày sau đó xóa sạch gần như toàn bộ thành quả của cổ phiếu này trong thời đại dịch.

Cổ phiếu của Amazon đã lao dốc mất 2% trong phiên đầu tuần hôm qua. Tính riêng năm nay, cổ phiếu Amazon đã giảm khoảng 41%, nhiều hơn mức giảm 14% của chỉ số S&P500 và đang trên đà trở thành năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Shopee

Theo SCMP, Shopee - sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Đông Nam Á - vừa có một đợt sa thải nhân viên tại thị trường Trung Quốc vào đầu tuần. Trước tình trạng kinh doanh thua lỗ, công ty mẹ Sea Limited tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm nhân sự trên phạm vi toàn cầu.

Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 19/9, Shopee cho biết việc cắt giảm là một trong những nỗ lực nhằm “tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, từ đó hướng tới mục tiêu đạt khả năng tự cung tự cấp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh”.

Sàn TMĐT này không nêu rõ quy mô đợt sa thải mới nhất, nhưng cam kết hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quá trình thay đổi. Một nguồn tin giấu tên nắm rõ vấn đề này cho biết chưa đến 10% nhân viên mỗi nhóm làm việc bị ảnh hưởng.

nhan-vien-shopee-bi-sa-thai-chi-1668570714.jpeg
Công ty mẹ của Shopee cũng đang tiến hành cắt giảm một lượng nhân sự lớn.

Quá trình sa thải nhân viên của Shoppe đã ảnh hưởng đến một số thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài mảng TMĐT, mảng thanh toán ShopeePay và giao thực phẩm ShopeeFood cũng đối mặt với quá trình thanh lọc. Một số nguồn tin chia sẻ thêm Shopee đã ngừng tuyển dụng và hủy bỏ các vị trí mới trúng tuyển.

CEO Forrest Li tuyên bố ban lãnh đạo cấp cao của Sea sẽ không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của tập đoàn cho đến khi công ty có thể tự lực về tài chính.

Hiện mục tiêu của công ty trong 12-18 tháng tới là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt. Trước mắt, công ty sẽ giới hạn chi phí vé máy bay và ăn uống cho các chuyến công tác. Chi phí khách sạn đối với những chuyến đi công tác giảm còn 150 USD/đêm. Các hóa đơn ăn uống, giải trí trong những chuyến đi cũng không được hoàn trả.

Liên quan đến hoạt động sa thải nhân viên, Microsoft vài tháng trước cũng cắt giảm gần 1.000 vị trí. Tương tự, nền tảng bất động sản trực tuyến Zillow đã sa thải 300 nhân viên. Năm ngoái, công ty này cắt giảm tới 25% lực lượng nhân sự.

Snap, công ty đứng sau Snapchat, cho biết vào tháng 8 đã cắt giảm 20% lực lượng lao động. Đợt sa thải đã ảnh hưởng đến khoảng 1.200 nhân viên trên tổng số 6.400 người tính đến tháng 6.

Nhà sản xuất iPhone Apple cũng tạm dừng tuyển dụng các vị trí ngoài lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm cắt giảm ngân sách trong năm tới. Trong khi đó Intel tham vọng tiết kiệm 3 tỷ USD vào năm 2023 nhờ cắt giảm việc làm và chi tiêu ngân sách. Nhà sản xuất chip cũng kỳ vọng tiết kiệm tới 10 tỷ USD vào năm 2025.

 

Huỳnh Quang