Doanh nghiệp và ngân hàng tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài

Mai Ngọc

25/11/2022 09:27

Khó khăn trong nguồn vốn đã khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã phải đi tìm nguồn vốn từ quốc tế để có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết vừa ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỉ đồng, từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm NH Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), NH ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Đầu tư Maybank.

ADB sẽ tiếp tục tài trợ 750.000 USD cho VPBank để giúp nâng cao năng lực tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng nữ trong Sáng kiến Tài chính Doanh nhân nữ (We-Fi).

Vào cuối quý 2, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố nhận khoản vay hợp vốn quy mô 700 triệu đô la Mỹ kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) thêm 300 triệu đô la. Khoản vay gồm ba cấu phần khác nhau, với các kỳ hạn ba, bốn và năm năm, với sự tham gia của 26 ngân hàng quốc tế.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) đã ký hợp đồng với nhau. Theo đó, DFC sẽ tài trợ cho khoản vay trị giá 200 triệu USD với mục đích tạo điều kiện tiếp cận tài chính và giảm chênh lệch tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, giải quyết các vấn đề khí hậu. SeABank là tổ chức tài chính duy nhất tại Việt Nam nhận được tài trợ của DFC.

Ngoài ra, nhà “bank” của Madam Nguyễn Thị Nga đã được Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.

315350137-457756339814978-3562803774639383512-n-1668379270.jpeg
Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã thu hút, tìm kiếm được nguồn vốn từ quốc tế.

Một nhà “bank” cũng gọi được vốn nước ngoài là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Theo đó, VIB cũng hoàn tất khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ IFC. Khoản vay có kỳ hạn 5 năm, nhằm hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Trong đó, VIB sẽ dành hơn 45 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị khoảng 870 triệu đồng.

Đối với khối doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cũng đã thực hiện được khoản vay có giá trị 600 triệu USD từ Ngân hàng HSBC Việt Nam và một số định chế tài chính khác.

Khoản vay của Masan và công ty con nhằm phục vụ mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.

Với kỳ hạn 5 năm, đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động. Đáng chú ý là khoản vay đã vượt mục tiêu ban đầu là 375 triệu USD và thu hút được tới 37 bên định chế tham gia cho vay.

Trong khi đó, Công ty CP Kinh doanh F88 (F88) cũng vừa huy động thành công khoản vay có bảo đảm trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ Tài chính CLSA Capital Partners (Lending Ark, trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc).

Bên cạnh đó, F88 cũng huy động được 10 triệu USD từ Lendable (trụ sở tại London - Anh Quốc). Với khoản vốn huy động được, F88 sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc doanh nghiệp và ngân hàng đi tìm nguồn vốn từ bên ngoài đã phản ánh được sự khó khăn của việc huy động nguồn vốn từ bên trong nước. Đặc biệt, khi trái phiếu đang có dấu hiệu chững lại, hạn mức tín dụng của ngân hàng không còn nhiều, chứng khoán gặp khó khăn. Việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài được xem là giải pháp tích cực để tiếp tục duy trì mạch sống của doanh nghiệp.

Mai Ngọc