Để can thiệp vào thị trường, hãy sử dụng cơ chế của thị trường

Trí Đảm

13/02/2020 20:12

Từ góc nhìn của chuyên gia Đinh Tuấn Minh, can thiệp vào thị trường trong tình huống khẩn cấp, chính phủ có thể sử dụng các cơ chế thị trường thay vì các biện pháp cực đoan như giá trần.

Trong những ngày dịch bệnh do virus Conora (Covid-19) bùng phát và lan ra 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, những hàng hóa đơn thuần - như khẩu trang hay dung dịch rửa tay – đang trở thành sản phẩm thiết yếu có hiện tượng khan hiếm và đội giá gấp nhiều lần. Điều này khiến cho những chính sách kinh tế ứng phó với tình huống chưa có tiền lệ trở thành mối quan tâm chung của người dân, các nhà nghiên cứu chính sách và Chính phủ. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI), các chính sách điều chỉnh đưa ra vào thời điểm hiện tại, nếu tuân thủ theo một số nguyên tắc của thị trường, có thể sẽ tăng hiệu quả và giảm chi phí xã hội trong thời điểm khủng hoảng của dịch bệnh.

Trong điều kiện bình thường, nếu có một số doanh nghiệp liên minh với nhau để chi phối giá thì sẽ vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên trong tình huống khẩn cấp như dịch bệnh hiện tại, tôi (ông Đinh Tuấn Minh) đề xuất Chính phủ có thể sử dụng liên minh các nhà phân phối lớn trong nước như Co.op mart, Vinmart, BigC,... để chi phối giá trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra. Thông qua liên minh phân phối này, Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường để thiết lập mức giá phù hợp. Theo nguyên tắc kinh tế thị trường, những nhà tạo lập thị trường (market maker) tạo một mặt bằng giá thì các đơn vị nhỏ lẻ như nhà thuốc sẽ nhìn theo mức giá đó để bán hợp lý nhất. Đó là ý tưởng khuyến nghị Chính phủ sử dụng các cơ chế thị trường tác động vào giá mà không cực đoan như việc áp giá trần, gây ra phản ứng không tốt trong xã hội.

Ông Đinh Tuấn Minh
Ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI)

Một liên minh thành lập có tính chất hành chính, tức hình thành một nhóm từ mệnh lệnh của Nhà nước để can thiệp vào thị trường. Thời điểm năm 2011, giá vàng biến động mạnh gây rối loạn thị trường thế giới, NHNN can thiệp vào giá vàng bằng cách thành lập liên minh SJC với các ngân hàng thương mại Eximbank, Techcombank, Sacombank, DongA Bank và ACB để bình ổn giá vàng, thu ngắn giá trong nước với giá thế giới. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Henry Paulson - Bộ trưởng Ngân khố Mỹ cũng gọi điện cho những ngân hàng lớn nhất ngồi lại với nhau cho phép Chính phủ Mỹ mua một phần cổ phiếu của các ngân hàng với từng cấp độ khác nhau để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng tiến hành các hoạt động bình ổn thị trường.

Tôi đưa ra những ví dụ ở trên không có ý ủng hộ các hình thức can thiệp trên, mà chỉ nhằm mục đích chỉ ra đây không phải hình thức mới mà là công cụ có thể sử dụng được trong trường hợp khẩn cấp. Trở lại với trường hợp của Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ có kênh phân phối có sẵn. Nhà nước có thể chọn và duy trì thông qua trao đổi định kỳ thiết lập mức giá phù hợp dựa trên nguồn cung từ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu từ đó phân phối sản phẩm cho hợp lý.

Một điểm cần lưu ý khi thiết kế chính sách là phải đưa ra điều kiện rõ ràng chấm dứt hoạt động của liên minh phân phối khi nhiệm vụ can thiệp kết thúc.

Có nhiều cấp độ khác nhau mà Nhà nước có thể tham gia vào thị trường trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp.

Cấp độ thấp nhất, Nhà nước đơn thuần hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc doanh nghiệp sản xuất trong nước để các doanh nghiệp này sản xuất và bán ra ngoài thị trường với mức giá thấp hơn với mức giá tự sản xuất khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tùy vào mức giá nhập từ các nhà sản xuất mà các doanh nghiệp phân phối có thể quyết định giá bán lẻ.

Cấp độ thứ hai mà tôi khuyến nghị cho trường hợp dịch virus Corona hiện nay là Nhà nước can thiệp vào giá bán lẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất.

Cấp độ thứ ba, Nhà nước can thiệp thẳng vào giá bán lẻ, áp đặt mức giá trần. Có vẻ như Chính phủ đang muốn áp dụng cấp độ này, tuy nhiên hiện tại thị trường vẫn chưa có giá trần rõ ràng để các cửa hàng hay đơn vị phân phối điều chỉnh bán.

Cấp độ thứ tư mang tính chất quốc hữu hóa. Trong đó, Nhà nước quốc hữu hóa tất cả đơn vị sản xuất, tự phân phối như những doanh nghiệp nhà nước phân phối giá như giai đoạn kế hoạch hóa tập trung.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh là nghiên cứu sinh chương trình Tiến sỹ Kinh tế về đổi mới công nghệ tại Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông Minh là kinh tế công, kinh tế học thể chế, đổi mới công nghệ và tổ chức thị trường (Industrial Organisation).

Ông Đinh Tuấn Minh từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng phân tích tại Ngân hàng Quân đội (MB) và Chuyên gia kinh tế và quản lý rủi ro cao cấp của Tập đoàn Vingroup. Ông Đinh Tuấn Minh cũng tham vấn cho nhiều dự án về chính sch kinh tế cho Quốc hội và một số cơ quan của Chính phủ.

Hiện tại, ông Đinh Tuấn Minh là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI).

 

Trí Đảm