Đây là tố chất khiến nhiều thầy dạy giỏi nhưng không thể làm doanh nhân, trong khi nhiều người bỏ học đi khởi nghiệp thì thành công!

Đỗ Cao Bảo - Phó Chủ tịch HĐQT FPT

05/12/2023 08:57

Sau thời gian dài nghiên cứu, chiêm nghiệm thực tế, các học giả trên thế giới đã đúc kết ra rằng thành công trong kinh doanh không phải là kết quả của trình độ học vấn, kiến thức kinh doanh, chỉ số IQ, khả năng tiếp cận nguồn vốn hay kết hoạch kinh doanh đột phá, mà nó xuất phát từ bản năng doanh nhân (Entrepreneurial Instinct). Vậy Entrepreneurial Instinct là gì?

Tại sao trên thực tế có nhiều người làm thầy giảng dạy về kinh doanh, quản trị kinh doanh rất xuất sắc, thế nhưng họ không thể làm doanh nhân, và nếu họ đi làm doanh nhân thì toàn thua lỗ.

Tại sao có nhiều người bỏ học đại học đi khởi nghiệp thì thành công, thậm chí có những người trở thành tỷ phú, có tài sản hàng tỷ, hàng chục tỷ USD, trái lại có rất nhiều người đã tích luỹ đủ kiến thức, bằng cấp, kinh nghiệm, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thế mà khi khởi nghiệp vẫn thất bại.

Không những bỏ học đại học mà có nhiều doanh nhân thành công còn không thực hiện nghiên cứu thị trường cốt lõi, không qua trường lớp hoặc kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực của họ; không lập kế hoạch kinh doanh cũng như đề ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Có nhiều người cho rằng những người thành công trong kinh doanh như vậy là do may mắn, nhưng câu hỏi đặt ra tại sao họ lại may mắn nhiều đến thế và lâu đến thế?

Sau thời gian dài nghiên cứu, chiêm nghiệm thực tế, các học giả trên thế giới đã đúc kết ra rằng thành công trong kinh doanh không phải là kết quả của trình độ học vấn, kiến thức kinh doanh, chỉ số IQ, khả năng tiếp cận nguồn vốn hay kết hoạch kinh doanh đột phá, mà nó xuất phát từ bản năng doanh nhân (Entrepreneurial Instinct).

entrepreneurial-instinct-la-gi-1701243138.jpg  

Vậy bản năng doanh nhân là gì mà nó lại mầu nhiệm đến vậy? Vâng, bản năng doanh nhân chính là:

(1) Chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi, không sợ thất bại, tiếp tục phát triển khi đối diện với sự mơ hồ, không rõ ràng;

(2) Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ngay cả khi không được đào tạo bài bản;

(3) Năng lực hành động để biến kế hoạch kinh doanh thành kết quả;

(4) Hướng ngoại, lạc quan, tự tin, cởi mở;

(5) Khả năng thích ứng với môi trường, với hoàn cảnh, khả năng ứng biến xuất sắc; khả năng tự thay đổi;

Có một minh chứng rất thú vị thế này về chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi: trong nhóm bạn bè chiến hữu của tôi, có 2 anh A và B đều cực kỳ thông minh, khi chơi bài vui vui thì anh A luôn thắng, nhưng cứ đến khi chơi ăn tiền thì anh B lại luôn luôn thắng. Tất nhiên anh B là doanh nhân rất thành công, còn anh A là rất giỏi về công nghệ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người có bản năng doanh nhân cao thì chất dopamine trong não cao hơn nhiều những người thường, chất dopamine cho họ khả năng chấp nhận rủi ro và năng lực hành động và khi họ càng chấp nhận rủi ro và càng hành động thì dopamine được giải phóng càng nhiều, chính dopamine đã mang lại niềm vui, động lực và sự tập trung thúc đẩy họ hành động.

Tóm lại là muốn làm doanh nhân thành công thì phải có bản năng doanh nhân, muốn có bản năng doanh nhân thì phải có môi trường doanh nhân, phải sống cùng, làm việc cùng, phải năng gặp gỡ những doanh nhân thành công, cũng như những doanh nhân dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.

Đỗ Cao Bảo - Phó Chủ tịch HĐQT FPT