Đầu tư bền vững hậu COVID-19

caodung

13/07/2020 15:22

Sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư có thể xem xét lại các quyết định đầu tư và phân bổ vốn, tính bền vững có thể trở thành trọng tâm trong triết lí đầu tư.

Jan Tinbergen, nhà kinh tế học người Hà Lan, người được trao giải thưởng Nobel Kinh tế đầu tiên năm 1969 từng nhận định rằng: “Sự phân phối đồng đều và công bằng tạo ra lợi nhuận, chứ không phải ngược lại".

Trong một thời gian dài, không nhiều người ủng hộ quan điểm ấy.

Tuy nhiên, những năm nay gần đây, có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến tác động của đầu tư và tính bền vững, CSR (Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp), triết lý ba giá trị (triple-bottom line: Xã hội, Môi trường và Lợi nhuận) và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Theo phân tích gần đây của công ty tài chính Morningstar, trong khi hầu hết tất cả các loại tài sản đều giảm giá trị trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, các quỹ đầu tư theo hướng ESG (đảm bảo Môi trường, Xã hội và Quản trị) chịu ít thiệt hại nhất.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong bối cảnh khó khăn chung, Đan Mạch là nước có thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, với tăng trưởng 8,2 % tính theo đồng USD, và là một trong ba thị trường chứng khoán duy nhất có tăng trưởng dương năm nay.

Đan Mạch là quốc gia từ lâu đã đặt giá trị bền vững và ESG lên hàng đầu trong kế hoạch đầu tư. Khi cả thế giới đang vật lộn với COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và các ngân hàng thế giới đưa ra các gói kích cầu và cứu trợ tài chính chưa từng có khiến khoảng cách giàu nghèo càng lớn hơn, các quỹ đầu tư của Đan Mạch (với nhiều công ty đứng hàng đầu thế giới về đầu tư bền vững) đứng đầu danh sách các công ty phát triển bền vững nhất năm 2020, theo báo cáo của Corporate Knights.

Quỹ lương hưu lớn nhất của Đan Mạch, PFA, với trị giá tài sản 82 tỉ USD, vừa ra mắt sản phẩm cho phép người tham gia bỏ tiền tiết kiệm nghỉ hưu vào những dự án đầu tư chú trọng môi trường dự tính đạt được độ trung hòa carbon chậm nhất là trong vòng năm năm.

Quỹ MP Pension của Đan Mạch đã thoái vốn ở 24 công ty dầu, và trong tương lai, cũng sẽ loại trừ trái phiếu và cổ phiếu của các công ty khai thác than đá và cát hắc ín khỏi danh mục đầu tư. MP Pension tham gia vào sáng kiến “Race to Zero”, tổ chức bao gồm một nhóm các nhà đầu tư và công ty trên toàn cầu chung mục đích khiến thế giới đạt mức trung hòa carbon trước năm 2050, và thể hiện sự ủng hộ sáng kiến bằng cách ký tên vào Liên minh Net-Zero Asset Owner do Liên Hợp Quốc triệu tập.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Madame Lagarde tuyên bố: “Chúng ta có cơ hội đẩy mạnh các nỗ lực của EU để đạt được các mục tiêu bền vững bằng cách cân nhắc biến đổi khí hậu và đầu tư bền vững trong phản ứng tài chính đối với Đại dịch COVID-19”.

Trong lịch sử và thời kỳ tiền COVID-19, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng tập trung vào tính bền vững sẽ thu hẹp phạm vi đầu tư và có thể dẫn đến lợi nhuận thấp hơn.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu tin rằng các công ty có sự kết hợp giữa mô hình tài chính, thực tiễn kinh doanh và mô hình kinh doanh có tính bền vững sẽ mang lại lợi nhuận vượt mức cho các cổ đông.

Sau COVID-19, nhiều nhà đầu tư có thể suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với các quyết định đầu tư và phân bổ vốn và tính bền vững có thể trở thành cân nhắc trọng yếu hơn trong triết lý đầu tư.

Theo Robert Strand, giáo sư nghiên cứu tính bền vững tại Đại học California, Berkeley, chuyên gia về tính bền vững khu vực Bắc Âu, “cha đẻ của Đan Mạch hiện đại” chính là N.F.S. Grundtvig (mục sư, tác giả, nhà thơ, triết gia, nhà sử học, giáo viên và chính trị gia người Đan Mạch). Vào thế kỷ IXX, Grundtvig đã viết những dòng kinh điển: “Chúng ta đạt được sự thịnh vượng to lớn, chỉ khi một số ít người có quá nhiều và càng ít người hơn có quá ít”. Câu nói của Grundtvig đại diện cho triết lý xã hội mà Đan Mạch đang nỗ lực xây dựng, đồng thời đại diện cho triết lý vì một xã hội bền vững hơn, kiên cường hơn. Hóa ra kết quả của triết lý này trong thực tế là một môi trường kinh doanh sôi động và kiên cường hơn, dẫn đến sự ra đời của một trong những thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả nhất toàn cầu, theo Strand.

Strand cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cấu trúc công ty duy nhất – cấu trúc bền vững - đối với nhiều tập đoàn niêm yết công khai hàng đầu của Đan Mạch, một vấn đề mà ông tuyên bố rõ tại Phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 12.2019 như sau: “Đan Mạch đã và đang thực thi một cấu trúc quản trị doanh nghiệp duy nhất dựa trên nền tảng công nghiệp mà tôi tin rằng cấu trúc này cần nhiều sự chú ý toàn cầu nhiều hơn. Mô hình này khuyến khích cách thức quản lý sở hữu cổ phiếu lâu dài hơn so với chủ nghĩa đầu tư ngắn hạn ở nhiều nơi khác, chẳng hạn như Mỹ. Các công ty hàng đầu của Đan Mạch như Carlsberg và Novo Nordisk là các tập đoàn niêm yết công khai với phần lớn quyền biểu quyết vĩnh viễn thuộc về một công ty liên kết có nền tảng công nghiệp. Điều này cho phép ban lãnh đạo của công ty nắm giữ quan điểm dài hạn là ủng hộ các bên liên quan và dẫn đến hiệu quả hoạt động bền vững, mạnh mẽ hơn.”

Các hộ gia đình giàu có nhất ở Mỹ đã và đang tăng cường sự kìm kẹp lên các công ty Mỹ đến mức có thể dẫn đến nhiều cuộc bạo loạn hơn hoặc ít nhất là hoạt động doanh nghiệp trở nên không bền vững. Goldman Sachs cho biết, 1% người Mỹ giàu nhất hiện chiếm hơn một nửa giá trị tài sản của tất cả các hộ gia đình.

Tỉ phú, nhà quản lý quỹ, nhà bảo tồn và nhà từ thiện người Mỹ - Paul Tudor Jones lặp lại những quan điểm này, cho rằng các công ty không thể tồn tại nữa nếu mục đích chỉ là tối đa hóa lợi nhuận.

“Khi một công ty nói rằng lợi nhuận là thứ duy nhất doanh nghiệp bận tâm, thì công ty đó sẽ không còn chú ý đến hệ thống lương bình đẳng, không chú ý đến bình đẳng giới, đến bình đẳng chủng tộc, không chú ý đến một loạt các yếu tố xã hội mà gốc rễ là cơ sở và nền tảng của một xã hội mạnh mẽ, sôi động”, Jones cho biết.

Theo Tiến sĩ Ravi Fernando, Chủ tịch Khoa Chiến lược Toàn cầu về Bền vững Doanh nghiệp (GSCS) và Giáo sư thỉnh giảng của Trường Kinh doanh INSEAD: “Các công ty có một nhà lãnh đạo tư duy bền vững không chỉ tin tưởng mà còn đầu tư CHỈ vào đổi mới theo hướng bền vững. Tesla là một ví dụ tuyệt vời về điều này.”

Cổ phiếu Tesla đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại 1.500 USD/cổ phiếu lần đầu tiên vào ngày 10.7 và vẫn còn tiếp tục tăng.

Các nhà phê bình cho rằng hiệu quả hoạt động tính đến nay của Tesla là trên 145% so với chỉ số S&P500 tính đến nay là âm 0,89% và tỷ lệ Nợ trên Vốn chủ sở hữu 152% của Tesla là không thể duy trì lâu dài. Elon Musk nhiều lần chứng minh các nhà phê bình đã sai và thị trường dường như định giá Tesla ở mức cao như vậy vì coi đây là một công ty phát triển bền vững nhờ Trí tuệ nhân tạo thay vì một công ty truyền thống dựa trên định giá kiểu cũ.

Định giá S&P500 ở mức P/E 21,6x chủ yếu được thúc đẩy bởi nhiều lần mở rộng trong khi P/E của Tesla đang giao dịch ở mức cao ngất ngưởng không thể tin được 6.267x.

Khi thị trường xem một công ty có tính đổi mới thực sự về phát triển bền vững, việc định giá và bội số lợi nhuận dường như không thành vấn đề.

Tiến sĩ Mark Mobius, nhà đầu tư kỳ cựu, người có biệt danh "cha đẻ của các thị trường mới nổi", ngày càng tập trung vào việc liên kết các quyết định phân bổ vốn với tính bền vững.

Trong cuốn sách với tựa đề “Đầu tư cho điều tốt đẹp - Thế giới lành mạnh hơn và Bạn giàu có hơn”, Mobius lập luận rằng các nhà đầu tư đang ngày càng tập trung vào các phương pháp phân bổ vốn để đạt được mục tiêu xã hội, môi trường và tài chính như mong muốn, và đang nhắm vào dự án đầu tư không chỉ tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế ở các nước trên thế giới mà còn hỗ trợ phát triển con người - từ môi trường sạch hơn đến sản phẩm an toàn hơn và phương thức lao động tốt đẹp hơn. Đồng thời, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) sẽ vượt trội so với các công ty không làm như vậy. Tiến sĩ Mobius nói thêm rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty có ban giám đốc độc lập và đa dạng và nhiều phụ nữ hơn, làm tốt hơn các công ty khác không có thế mạnh này.

Đại dịch COVID-19 nhắc nhở nhiều người trong chúng ta về triết lý phụ thuộc lẫn nhau.

Tất cả mọi thứ chúng ta làm trong hoạt động kinh tế và thị trường đều ảnh hưởng đến người khác và nơi khác. Trong nền kinh tế toàn cầu, tất cả đều được kết nối với nhau. Sự phụ thuộc tương hỗ là tất yếu, và tác động thực sự nghĩa là hướng về một hệ thống kinh tế tái sinh tuần hoàn.

Về lâu dài, có khả năng cao hơn là các thị trường và nhà đầu tư sẽ tập trung nhiều hơn vào chi phí xã hội, chi phí môi trường, chi phí con người của hoạt động kinh tế.

Các nhà đầu tư có thể phân vân đặt thái cực lợi nhuận cao hơn mọi thứ khác, đặc biệt là vào thời điểm gần 40 triệu người Mỹ thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo đang trở nên rõ rệt hơn khi các cuộc bạo loạn nổ ra ở khắp các thành phố trên nước Mỹ.

Theo số liệu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ là cao nhất trong tất cả các quốc gia G7.

Bất bình đẳng kinh tế gia tăng ở Mỹ và các cuộc thảo luận về can thiệp chính sách có thể giúp giải quyết vấn đề này trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Về mặt kinh tế, đại dịch COVID-19 làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu và cắt giảm sâu thu nhập của người lao động. Đại dịch cũng có nguy cơ đẩy lùi các tiến bộ hạn chế về bình đẳng chủng tộc, bình đẳng giới và quyền của phụ nữ đạt được trong nhiều thập kỷ.

Theo Liên Hợp Quốc, việc giảm bất bình đẳng và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau là điều không thể thiếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Một tư duy bền vững giúp các công ty hiểu được rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng và giúp họ đưa ra những ứng phó sớm trước bất kỳ làn sóng kinh tế, công nghệ hoặc xã hội mới nào sắp diễn ra, nhằm vượt lên trước đường cong của khủng hoảng.

Điểm mấu chốt thực sự là chúng ta sẽ không đạt được sự phát triển bền vững nếu không thực hiện một số cải cách thực sự lớn trong hệ thống kinh tế tư bản cực thiên về lợi nhuận.

Một cá nhân không thể ngăn chặn sự thay đổi, xu hướng theo đuổi tính bền vững và đầu tư cân nhắc tác động. Cuối cùng, hoàn cảnh khó khăn của người dân do ảnh hưởng của COVID-19 sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư chấp nhận và tập trung nhiều hơn vào tính bền vững.

Rainer Michael Preiss - Chiến lược gia của Golden Equator Wealth (viết cho Tạp chí Nhà Quản Lý)




caodung
Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư bền vững hậu COVID-19" tại chuyên mục Khoa học quản lý.