Xử lý “mạnh tay” với những trường hợp sử dụng đất trái phép
Tình trạng kinh doanh sử dụng đất trái phép, sai mục đích đã diễn ra nhiều năm nay tại các khu đất công và dự án chậm tiến độ. Nhiều khu đất nông nghiệp tại thủ đô đã và đang bị san gạt, đổ bêtông nhằm cho thuê mặt bằng sai quy định. Những kho xưởng rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng tạm bợ, vi phạm các quy định về trật tự xây dựng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa đến tính mạng người dân…
Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND TP Hà Nội quy định về “Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội” nêu rõ: “Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.
Cùng với đó năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2020, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Thông báo số 2354-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Như vậy, có thể thấy, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã cần xử lý nghiêm các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm quy mô lớn nhưng không bị xử lý.
Vi phạm trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tái diễn
Tình trạng xây dựng kho xưởng trái phép đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Dù lực lượng chức năng cũng như các cấp chính quyền đã có những hành động xử lý, tuy nhiên, các vi phạm vẫn ngang nhiên tái diễn.
Trong vai doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất làm kho bãi, PV được kết nối đến gặp người đàn ông tên T– chủ sở hữu khu đất. Theo lời người này, phần đất này là đất dự án nhưng hiện chưa sử dụng đến nên cho thuê với giá 15 triệu đồng/tháng trên khu đất rộng khoảng 1000m2.
Tuy nhiên, người này chỉ cho thuê đất còn việc “làm luật” với cơ quan chức năng thì người thuê phải tự lo hoặc có thể liên hệ với cô Nhàn. Qua lời kể, cô Nhàn được giới thiệu là vợ ông D (trước đây là chủ tịch xã Đại Mỗ - cũ). Cô Nhàn là người chịu trách nhiệm việc trông nom, quản lí khu đất này. Nếu người thuê muốn hoạt động kinh doanh trên khu đất mà không bị cơ quan chức năng kiểm tra thì cô Nhàn có thể lo việc “làm luật” với công an cũng như chính quyền phường.
Tiếp tục đóng vai người cần thuê đất để xây dựng kho xưởng, PV liên hệ với một người phụ nữ tên Dung. Theo đó, với giá 4 triệu đồng/tháng, PV sẽ có thể thuê khu đất nông nghiệp rộng khoảng hơn 300m2.
Khi được hỏi rằng có thể tiến hành tôn tạo trên khu đất để xây dựng nhà xưởng hay không thì bà Dung cho biết có thể làm được. Để tiến hành thì sẽ cần làm việc với phường để xin phép nâng cấp cải tạo và nên tu sửa vào chiều thứ 7, chủ nhật. Việc dùng vật liệu cải tạo cũng được chị Dung hướng dẫn tỉ mỉ, chỉ được dùng tôn cũ chứ không đường dùng tôn mới, khi tiến hành cải tạo thì phải “ngụy trang” bên ngoài bằng lưới đen để không bị phát hiện.
Cũng theo lời bà Dung, chị có thể giúp đỡ trong việc “quan hệ” với phó chủ tịch phường phụ trách và cán bộ địa chính phường với chi phí khoảng 30 triệu đồng, cán bộ sẽ coi như không thấy chuyện xây dựng kho trên khu đất nông nghiệp trên.
Khi băn khoăn về việc có chắc chắn xử lý được việc, bà Dung thuyết phục thêm chúng tôi bằng việc bà có cả công ty mấy người chứ không phải mình chị, công ty cũng đã làm và cho thuê rất nhiều kho xưởng ở xung quanh rồi. Trước bên chị đã làm hết cả đất này, xưởng to lắm, xung quang đây chị mười mấy cái xưởng chứ không phải cái này, chị là chuyên đi làm xưởng. Cả một dãy bên đường Ngọc Trục chị cho thuê bẩy mấy triệu cơ, rất nhiều xưởng chứ không phải không làm bao giờ đâu. Nếu như chị không làm được là chị nói thẳng luôn là của chị như thế, chị cho thuê như thế thôi, nhưng với tầm tay của các chị làm được thì chị mới nhận lời bà Dung nhấn mạnh.
Thuê đất nông nghiệp trái phép, doanh nghiệp “tiền mất tật mang”
Mới đây, sau phản ánh của báo chí về tình trạng ngang nhiên sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, “hô biến” đất nông nghiệp thành bãi kinh doanh trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), UBND quận Nam Từ Liêm đã tiến hành phá dỡ các công trình sai phạm trên địa bàn phường.
Theo đó, các nhà tạm được dựng bằng container đã bị cẩu đi, di dời toàn bộ các tấm tôn được sử dụng làm tường bao, nhà tạm trên phần diện tích đất bị sử dụng sai phép. Ngoài ra, các đồ dùng trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh trái phép cũng bị yêu cầu vận chuyển ra ngoài khu vực đất nông nghiệp này.
Đồng thời, một cán bộ có liên quan đến sự việc trên đã bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để thanh tra công vụ công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đường Cương Kiên thuộc địa bàn quản lý của phường Mễ Trì.
Hành động xử lí quyết liệt trên của UBND quận Nam Từ Liêm đã nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận. Tuy nhiên, việc tháo dỡ toàn bộ kho xưởng cũng mang lại những thiệt hại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp thuê đất.
Bên cạnh đó, các khu nhà xưởng khung sắt lợp tôn tồn tại trái phép trên đất nông nghiệp thường là địa điểm được sử dụng để sản xuất, làm nhà kho chứa nhiều nguyên vật liệu dễ bắt lửa, gây cháy như đồ nhựa, đồ gỗ.
Thực tế cho thấy nhiều vụ việc cháy nổ do chập điện tại các khu nhà xưởng đã diễn ra trên địa bàn thuộc quận Nam Từ Liêm gây thiệt hại về người và của. Năm 2017, vụ cháy lớn tại nhà kho ở địa chỉ lô E1.2, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2 khiến các lực lượng phải chữa cháy hơn 2 giờ đồng hồ.
Hay cuối tháng 4/2019, vụ hỏa hoạn tại khu nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, đất đai tại phố Đại Linh, phường Trung Văn khiến 8 người tử vong, trong đó có 4 người trong cùng một gia đình. Nơi xảy ra vụ cháy này là công trình xây dựng trái phép với 4 nhà xưởng mái tôn, khung sắt, có tường gạch bao xung quanh cao khoảng 1,5m, phía trên được quây tôn với tổng diện tích khoảng trên 800m2. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã không thể tiếp cận và cứu các nạn nhân kịp thời.
Các kho xưởng đều có kết cấu kiểu khung sắt, lợp tôn kín, không có lối thoát hiểm. Do xây dựng sai phép nên nhà xưởng tạm bợ, không có thiết kế, không được nghiệm thu cũng như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, có thể thấy, việc thuê và sử dụng đất nông nghiệp trái phép tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không chỉ cho chính các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới người dân sinh sống trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng về tình trạng pháp lý trước khi tiến hành thuê đất để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Đồng thời, UBND quận Nam Từ Liêm và các cơ quan chức năng cũng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm xử lí dứt điểm tình trạng xây dựng kho xưởng trái phép, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn phường Đại Mỗ nói riêng và quận Nam Từ Liêm nói chung. Không để tình trạng này tái diễn gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống cũng như sự an toàn của người dân.