Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sau năm 2020

minhtam

23/06/2020 19:57

Cải Mép - Thị Vải sẽ thêm một cảng mới tham gia cuộc đua lấp đầy công suất từ năm 2021.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có sản lượng container tăng trưởng năm 2019 đạt 27%, cao nhất cả nước. 3,74 triệu TEUs hàng hóa được thông qua cảng này trong năm. Cái Mép - Thị Vải là cảng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và một trong 21 cảng trên thế giới có khả năng đón tàu 200.000 tấn.

Được quy hoạch trở thành một cảng trọng điểm của khu vực, Cái Mép - Thị Vải là một trong những cảng hiếm hoi thu hút vốn đầu tư của bốn nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới là Hutchison Ports, PSA, APM Terminals và Dubai Port World. Một số hãng tàu lớn như MOL, Wan Hai, Hanjin... góp cổ phần tại đây. Nhưng đến nay, nhìn vào lượng hàng hóa thông qua các cảng nhóm 5 (khu vực Đông Nam Bộ), các cảng TP.HCM có sản lượng gấp hai lần Cái Mép - Thị Vải, với 7,22 triệu TEUs hàng container, riêng Cát Lái là 5,25 triệu TEUs. Trong khi, Chính phủ có chủ trương di dời các cảng biển ra khỏi khu vực TP.HCM.

"Cái Mép - Thị Vải ở xa thủ phủ công nghiệp Bình Dương lại không có hệ thống logistics thuận lợi hỗ trợ. Hàng hóa di chuyển bằng đường bộ qua quốc lộ 51 tới khu vực cảng dễ gặp tình trạng kẹt xe trong khi có thể di chuyển bằng đường sà lan tới TP.HCM có chi phí rẻ hơn", Giám đốc một ICD khu vực Trường Thọ (TP.HCM) lý giải về việc cảng chủ hàng đối tác thường ưu tiên lựa chọn hãng tàu đậu tại các cảng gần thành phố.

Theo số liệu thực tế của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, những cảng đón được tàu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đều hoạt động đầy công suất. Hai cảng TCCT và TCIT của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vượt công suất gần 10%. Ngược lại, SSIT thừa công suất. Hai cảng SP-PSA và SITV nằm trên phía thượng nguồn hiện không đón được tàu container. Với chiều dài cầu tàu chỉ khoảng hơn 600m, các cảng hiện hữu tại khu vực này chỉ có khả năng đón một tàu mẹ cập bến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới năng suất của Cái Mép - Thị Vải.

Sản lượng các cảng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Số liệu: VPA.
Sản lượng các cảng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Số liệu: VPA.

Đầu năm 2021, cảng nước sâu Gemalink chính thức khai thác sẽ đóng góp thêm 800m dành cho tàu mẹ và 260m cầu tàu dành cho tàu feeder trên diện tích 33ha. Đi sau mười năm so với các cảng container trong khu vực Cái Mép - Thị Vải nhưng Gemalink lại sở hữu những lợi thế nhờ cơ cấu cổ đông và vị trí.

Các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải: Nguồn: Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thành và Trần Thanh Phong (FETP).
Các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải: Nguồn: Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thành và Trần Thanh Phong (FETP).

Về cơ cấu cổ đông Gemalink có nhiều thuận lợi khi có CMA-CGM - hãng tàu lớn thứ thư trên thế giới góp 25% vốn. Gemadept - một trong những hãng tàu hàng đầu Việt Nam góp 75% vốn vào cảng này.

CMA-CGM còn là thành viên của Ocean, liên minh mạnh nhất trên tuyến vận tải châu Á - Bắc Mỹ và mạnh thứ nhì trên tuyến Á - Âu. Hiện liên minh này hoạt động mạnh với 6 tuyến dịch vụ tại Cái Mép - Thị Vải.

Cả hai cổ đông của Gemalink đều sở hữu hay góp vốn vào các cảng và ICD tại khu vực TP.HCM và Bình Dương. Đây sẽ là hệ thống logistics hỗ trợ cho Gemalink tương tự cách mà Tân Cảng Sài Gòn đã làm được với các cảng của mình tại Cái Mép - Thị Vải.

Với sự tham gia của Gemalink, khu vực Cái Mép - Thị Vải có thêm một cảng mạnh ở phía hạ nguồn. Trước COVID-19, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) dự báo thương mại quốc tế sẽ tăng trưởng 3,4% trong giai đoạn 2019-2024, trong đó, châu Á tiếp tục là động lực tăng trưởng của vận tải thế giới trong giai đoạn tới nhờ vào sự đẩy mạnh trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Với sự trở lại ở trạng thái "bình thường mới", thương mại đường biển sẽ phục hồi nhanh chóng hơn, mang lại hi vọng nhiều hơn cho ngành cảng biển.

Nam Anh

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sau năm 2020" tại chuyên mục Khoa học quản lý.