Từ căn hộ của mình ở Thành phố Toàn cầu Bonifacio (Manila, Phillipines), Eric Go vẫn nhìn thấy máy bay ngang qua cửa sổ. Như nhiều người trung lưu ở Đông Nam Á, Go – vốn lớn lên ở Mỹ và hiện làm việc tại một công ty thương mại điện tử, đã quen với việc di chuyển gần như liền mạch: gọi taxi, đặt vé giá rẻ và bay thẳng về nhà ở New York.
"Việc đi lại chưa bao giờ là vấn đề. Tôi có thể nhảy lên máy bay và đi bất cứ nơi nào tôi muốn. Tôi thấy vậy là tự do", Go nói. "Kiểu như, khi nào có biến động ở Manila, hoặc khi quá nóng, tôi có thể rời đi. Nhưng bây giờ không được vậy nữa."
Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lên cao vào giữa tháng Ba, Go cố gắng về với cha mẹ của mình ở Mỹ. Nhưng vé trên các chuyến bay còn hoạt động quá đắt đỏ và khó mua, nguy cơ bị kẹt vô thời hạn khi quá cảnh là rất cao. Trên toàn thế giới, các cánh cửa biên giới đóng sầm lại trong nỗ lực ngăn chặn một đại dịch toàn cầu.
Tại Châu Á - Thái Bình Dương, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Việt Nam, New Zealand và Úc đều cấm những người không cư trú nhập cảnh. Những nước khác, bao gồm Nhật Bản, đã đình chỉ miễn thị thực và áp dụng kiểm dịch đối với hầu hết khách đến. Nhiều thành phố bị phong tỏa toàn bộ - đường phố vắng tanh, các doanh nghiệp đóng cửa.
Các biện pháp này gây sốc cho những người chỉ biết đến kỷ nguyên toàn cầu hoá và số này khá đông. Thế hệ cha mẹ Go còn nhớ thời quân đội diễu hành trên đường phố Manila và sự thiếu thốn trong các cửa hàng, còn Go chưa bao giờ trải qua tình trạng bất ổn này. "Những tiện nghi bình thường mà bạn có trong cuộc sống bị tước bỏ... Câu hỏi đặt ra là, tuần sau sẽ thế nào? Chúng ta sẽ còn bánh mì vào tuần tới chứ? Chúng ta vẫn còn trứng chứ?" Go nói. "Tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng thiếu trứng trong đời. Tôi chưa bao giờ phải chứng kiến lệnh giới nghiêm trong đời."
Mới chỉ một tháng trước, bên cạnh số ít các quốc gia không bị ảnh hưởng, gián đoạn cuộc sống hàng ngày khá phổ biến. Các doanh nhân chỉ còn biết nhìn vào màn hình điện thoại để dự các cuộc họp trên Zoom và Google Hangouts; thư mục thư rác bị nhồi nhét những thư hủy lời mời đến các diễn đàn, hội thảo và họp báo – những sự kiện như cổ vật từ thời đại khác.
Đến giờ đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát, một phần ba dân số toàn cầu đang ở trong tình trạng phong tỏa. Lực lượng lao động bị chia nhỏ, trường học đóng cửa, gia đình chia cắt. Việc điều trị y tế bị trì hoãn. Đám cưới, lễ tốt nghiệp và các cuộc đoàn tụ hoãn vô thời hạn. Các sự kiện thể thao, từ các giải đấu của trường đến Thế vận hội Olympic Tokyo, hoãn. Thất nghiệp. Các doanh nghiệp đóng cửa, có thể không bao giờ mở cửa trở lại. Những cái chết. Hàng trăm ngàn thương chấn cá nhân cùng với các biến động sâu sắc về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị sẽ tồn tại lâu hơn cuộc khủng hoảng.
"Tác động của đại dịch là rất lớn, nó tác động đến tài chính, nó tác động đến xã hội, nó tác động đến sức khỏe, nó tác động đến chuỗi cung ứng. Mọi thứ đều bị ảnh hưởng. Sumit Agarwal, giáo sư tài chính nổi tiếng của Đại học Quốc gia Singapore cho biết. “Mọi người sẽ phải nghĩ về các tuyến thương mại mới, năng lực sản xuất mới... Chúng ta sẽ phải xem lại biên giới là gì".
Phong tỏa
Vào ngày 17.3, Tổ chức Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ, tuyên bố Singapore là "nền kinh tế tự do nhất" trên thế giới. Chưa đầy một tuần sau, quốc gia một thành phố này đã đóng cửa biên giới. Causeway, cầu đường bộ và đường sắt nối quốc đảo với Malaysia, đóng cửa ngăn chặn 400.000 người qua lại mỗi ngày. Người không có thẻ cư trú bị cấm, thậm chí chỉ quá cảnh, tại Sân bay Changi, vốn là một trong những trung tâm giao thông đông đúc nhất Châu Á. Hãng hàng không mang biểu tượng của quốc gia - Singapore Airlines - đã cắt bỏ 96% các chuyến bay.
Cậu sinh viên người Singapore, David Tan, bắt được một trong những chuyến bay cuối cùng ra khỏi Mỹ, phải trả 1.000 USD để bay về nhà từ New Mexico, quá cảnh tại sân bay Los Angeles.
"Nếu tôi ở lại Mỹ, tôi sẽ tương đối an toàn. Nhưng càng ở lâu, tôi càng khó thoát ra", Tan nói, giọng vui vẻ qua điện thoại, cậu đang chấp hành ngày đầu tiên trong 14 ngày tự cách ly theo yêu cầu của chính phủ. "Bạn phải ra nhiều quyết định này trong thời gian ngắn, không có thời gian để lên kế hoạch. Mọi thứ đều tùy cơ ứng biến. Đó là giai đoạn cực kỳ căng thẳng".
Chuyến bay của cậu có rất nhiều nhân viên hàng không còn trong đồng phục được điều chuyển về Singapore và những người Singapore sinh sống làm việc tại Mỹ. Họ đều muốn trải qua thời đại dịch tại nhà - gần gũi với gia đình và được chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng hơn, nếu cần.
Các nền kinh tế châu Á dựa vào sự cởi mở biên giới để phát triển mạnh mẽ - đóng vai trò là các trung tâm tài chính và kinh doanh, như Singapore và Hồng Kông, là chìa khóa của chuỗi cung ứng toàn cầu, như Đài Loan, Bangladesh và Việt Nam, hoặc là trung tâm du lịch, như Thái Lan - đang phải nhanh chóng tự cô lập toàn bộ.
"Bây giờ những gì chúng ta đang thấy là sự tê liệt gần như hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu”. Amitendu Palit, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết. “Cả đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh hạn chế người dân đi lại như thế này”.
Palit, thành viên nhóm Diễn đàn Kinh tế Thế giới về thương mại, nói rằng những thay đổi đột ngột đối với giao thông toàn cầu đã khiến các công ty phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ.
Vài năm trước, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã thu hút được các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ, được coi là một phần của "cuộc chiến thương mại" giữa Nhà Trắng với Bắc Kinh.
Trước đó nữa, các nhà sản xuất đã biết tận dụng mức thuế thấp giữa các nước Đông Nam Á, chi phí lao động thấp và sự hỗ trợ chính phủ. Một hộp số cho ô tô được lắp ráp tại Việt Nam hoặc Ấn Độ có thể di chuyển qua các biên giới năm hoặc sáu lần, với giá trị gia tăng ở mỗi giai đoạn. Đại dịch có thể "sụp đổ" hệ thống đó, Palit cho biết.
Việt Nam đình chỉ các chuyến bay quốc tế của các hãng bay quốc gia vào ngày 21.3 và cấm nhập cảnh hầu hết người nước ngoài vào ngày hôm sau. Một nhà nhập khẩu Nhật Bản đã hủy chuyến thăm nhà máy của họ ở Campuchia – dù lúc đó nước này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào và mới chỉ có ít trường hợp nhiễm COVID-19 - vì tin rằng dịch bệnh ở nước này đang bùng phát mạnh và lo sợ bị mắc kẹt ở Phnom Penh.
"Các quốc gia như Việt Nam nhiều hứa hẹn và đầy tiềm năng trở thành các mắt xích trong chuỗi cung ứng", Palit nói. "Nhưng họ chưa hẳn là điểm đến tốt nhất có khả năng cung cấp một cơ sở hạ tầng y tế công cộng đủ năng lực giải quyết các tình huống như đại dịch”.
Các công ty phát hiện ra rằng các lô hàng của họ đang bị giữ vô thời hạn tại các cảng vì các cơ quan quá tải không thể cung cấp tài liệu, hoặc đang bị phong tỏa. Khi nhận ra những rủi ro mới này, các công ty có thể sẽ cố gắng tập trung chuỗi cung ứng tại ít địa điểm và ít nhà cung cấp hơn, đồng thời đầu tư kho chứa hàng lớn hơn, thay vì dựa vào chuỗi cung ứng "just-in-time" phổ biến trong thập kỷ qua.
“Điều này sẽ để lại tác động sâu sắc đến cách thức tổ chức sản xuất kể từ bây giờ," Palit nói.
Các biện pháp hạn chế đi lại và phong toả, cũng như mức độ đột ngột của chúng, làm phức tạp thêm cho việc hoạch định kinh doanh ngay sau khi kết thúc đại dịch. Một số quốc gia có hành động quyết đoán, một số ngập ngừng, nhưng hầu hết hành động nhanh chóng vì lợi ích quốc gia của họ, thay vì phối hợp với các nước láng giềng.
“Sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia là cốt lõi của vấn đề", Julien Chaisse, giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, người nghiên cứu về toàn cầu hóa, nói. "Và tôi lo sợ rằng khi không có sự phối hợp chung giữa các nước về thời điểm dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, thì tác động của đại dịch lên nền kinh tế sẽ còn tiếp tục trong một thời gian khá dài."
Sự sụp đổ - thậm chí tạm thời - của chuỗi cung ứng sẽ có tác động rất lớn đến việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo có nguy cơ mất 25 triệu việc làm do đại dịch. Liên đoàn các Tổ chức Công đoàn tại Myanmar cho biết, 27 nhà máy dệt ở nước này đã ngừng hoạt động kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.
Lao động nhập cư - theo ILO ước tính có hơn 33 triệu người ở châu Á và Thái Bình Dương - sẽ bị tác động rất lớn. Dòng tài chính từ người di cư mang về quê hương đóng góp đáng kể cho các nền kinh tế trong khu vực. Chỉ riêng Philippines nhận được hơn 34 tỉ USD hàng năm từ kiều hối.
Hàng chục ngàn công nhân từ Myanmar, Campuchia và Lào tháo chạy khỏi Thái Lan. Việc Singapore đóng cửa biên giới với Malaysia làm hàng ngàn người mất việc, gây bất lợi cho người lao động và cho cả Singapore. Singapore dựa vào lao động chi phí thấp từ bang Johor của Malaysia để duy trì hoạt động của các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ.
Tuy nhiên, việc chấm dứt sự đi lại tự do trong khu vực Đông Nam Á rất có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến những người lao động có mức lương cao hơn và có thể làm suy yếu vĩnh viễn vị thế kinh tế của các quốc gia như Singapore và Hồng Kông, nơi đã thúc đẩy làn sóng hội nhập khu vực để trở thành trung tâm du lịch và tài chính của khu vực.
"Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả các công việc mà trước đây chúng tôi là an toàn hoặc không có rủi ro”, theo Walter Theseira, người nghiên cứu thị trường lao động trong khu vực với tư cách là phó giáo sư của kinh tế tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore.
Việc Singapore xử lý vấn đề y tế công cộng trong trường hợp khẩn cấp được ca ngợi rộng rãi, nhưng các lỗ hổng kinh tế do biện pháp ứng phó quá rõ ràng. Sân bay vắng hoe; các trung tâm hội nghị và khách sạn trở nên im ắng. Các biên giới gần như hoàn toàn bị đóng cửa.
"Singapore phụ thuộc, ở một mức độ nào đó, vào vị thế là trụ sở kinh doanh của khu vực," Theseira nói. "Vị thế này không còn khi những doanh nhân cao cấp không thể di chuyển tự do trong khu vực."
Không thể quay lại
Các doanh nghiệp phát triển dựa vào sự mở cửa của khu vực Đông Nam Á đang cố gắng tiêu hóa tất cả những sự thực này - và thế giới sẽ ra sao khi đại dịch cuối cùng được kiểm soát.
"Chúng ta đang ở trong tình hình chưa từng có. Mọi thứ đều khác lạ”, theo Sertac Yeltekin, giám đốc điều hành của Insitor Partners, một quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội có trụ sở tại Singapore với các khoản đầu tư trên khắp Nam và Đông Nam Á. Công việc đầu tư đòi hỏi phải đi lại thường xuyên và giữ liên lạc với các nhà đầu tư và các công ty được đầu tư. Điều này bất ngờ bị dừng lại.
"Bất kỳ sự tiếp xúc nào cũng có thể dẫn đến lây nhiễm, vì vậy chúng tôi phải hạn chế đi lại, hạn chế gặp nhau, hạn chế ngay cả những liên hệ cá nhân cơ bản", ông nói. "Điều này thực sự ảnh hưởng đến việc kinh doanh."
Giống như nhiều người khác, Yeltekin phải quản lý tác động của cuộc khủng hoảng này đến việc kinh doanh trong khi lo lắng cho thành viên gia đình mình đang ở mọi nơi trên thế giới, cả ở Ý và Mỹ. "Đối với ai cũng là một trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, chỉ có thể xảy ra trong các bộ phim khoa học viễn tưởng", ông nói. "Nhưng miễn là chúng ta còn được an toàn và khỏe mạnh, tôi không quan tâm những chuyện còn lại".
Theo Yeltekin, đại dịch lần này không giống như khủng hoảng tài chính 2008-2009, vì mọi người ai cũng chịu ảnh hưởng.
“Đại dịch có tác động rất lớn đến kinh doanh, đến cách tổ chức xã hội, và đến chính trị”, ông nói. “Chúng ta sẽ không quay về như ban đầu. Mọi thứ đang thay đổi rất sâu sắc”.
Thay đổi sâu sắc đến mức nào, và theo hướng tốt hơn hay tồi tệ hơn, phụ thuộc vào tốc độ và sự hiệu quả của các ứng phó toàn cầu.
“Tôi nghĩ rằng xu hướng tự nhiên là rút lui khỏi toàn cầu hóa và ủng hộ sự cô lập nhiều hơn. Và điều này sẽ bị các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc lợi dụng”, theo Ian Goldin, giáo sư về toàn cầu hóa và phát triển tại Đại học Oxford, đồng tác giả của cuốn "The Butterfly Defect: How Globalization Creates Systemic Risks, and What to Do About It." (tạm dịch: Khuyết điểm Bướm bay: Rủi ro hệ thống của Toàn cầu hóa và cách đối phó”.
Tuy nhiên, cô lập sẽ "hoàn toàn phản tác dụng", Goldin nói. Để quản lý được cuộc khủng hoảng này và phục hồi kinh tế sẽ cần khởi động lại cỗ máy toàn cầu hóa.
"Chúng ta sẽ không chỉ cần ứng phó y tế quốc tế - chúng ta sẽ cần ứng phó kinh tế quốc tế, và ứng phó xây dựng lại toàn cầu hóa, theo nghĩa là xây dựng lại giao thông lục địa, du lịch và thương mại," Goldin nói. "Vì đại dịch thay đổi các ưu tiên và tư duy của chúng ta, nó giống như một cuộc chiến hơn là một cuộc khủng hoảng kinh tế."
Goldin lặp lại một cách đầy cảm xúc điều mà hầu hết mọi người mà Nikkei bắt chuyện khi nghiên cứu câu chuyện này, từ các nhà kinh tế đến các nhà đầu tư, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đến các chính trị gia. Điều cuộc khủng hoảng này tiết lộ là sự thiếu vắng lãnh đạo đáng sợ.
"Chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch. Giống như chúng ta có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể ngăn chặn tất cả những rủi ro này. Nhưng chúng ta có làm hay không là một lựa chọn chính trị", ông nói. "Không có bức tường nào đủ cao để ngăn chặn đại dịch. Cái mà bức tường chặn lại là khả năng hợp tác, các kỹ năng và những thứ khác mà chúng ta rất cần.
Điều quan trọng là chúng ta học được bài học đó."
Lược dịch từ Asia Nikkei Review