Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố, năm 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu, và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ.
Nếu năm 2019, số vốn được đổ vào start up công nghệ lên đến 874 triệu USD thì qua năm 2020, con số này giảm đến 48%, chỉ còn 451 triệu USD. Tuy giảm mạnh nhưng so với năm 2018 lại cao hơn một chút. Năm 2018, số vốn rót vào các khởi nghiệp công nghệ là 443 triệu USD.
Năm 2020 có 105 vụ đầu tư, trong đó, nổi bật là những lĩnh vực như thanh toán và bán lẻ. Đây là hai ngành đang tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Bên cạnh đó, các ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi lượng vốn đổ vào các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) cũng đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau Covid-19. Năm 2019, số dự án nhận được đầu tư từ các quỹ là 126, còn năm 2018 là 59 dự án.
Như vậy, có thể thấy, năm 2020, với 105 dự án, tính ra, mức trung bình để các start up công nghệ nhận được nguồn đầu tư từ các quỹ thấp hơn năm 2018 hay 2019.
Một thông tin đáng chú ý là theo số liệu từ quỹ Do Ventures thì có hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được đầu tư từ các quỹ đầu tư nội địa. Như vậy có thể thấy, các quỹ đầu tư trong nước đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho những start up công nghệ. Quỹ này cũng nhận định rằng, nguồn vốn ổn định vào các startup giai đoạn đầu đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm.
Nhóm thực hiện báo nhận định rằng, dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển vì khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.