Chubu Electric Power Co., Inc. (Chubu) vừa ký kết thành công Hợp đồng Mua bán Cổ phần với một số cổ đông hiện hữu của Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) và Hợp đồng Đăng ký mua Cổ phần với Bitexco Power. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Chubu sẽ trở thành cổ đông sở hữu 20% cổ phần của Bitexco Power.
Theo thỏa thuận, Chubu cho biết sẽ mua cổ phần từ Orix Corp (Nhật Bản) và United Overseas Bank (Singapore), đồng thời mua cổ phiếu mới do Bitexco phát hành. Đây là thành quả sau gần một năm tìm hiểu và theo đuổi thương vụ này của Chubu.
Theo cấu trúc dự kiến sau thỏa thuận trên, Chubu thông qua công ty con sẽ đầu tư nắm giữ 20% cổ phần. Trong khi đó Bitexco Investment vẫn là công ty mẹ sở hữu hơn 78% và các cổ đông khác sẽ nắm giữ phần thiểu số gần 2% cổ phần Bitexco Power.
Chubu thành lập vào năm 1951, hoạt động trên 5 tỉnh ở miền Trung Nhật Bản (chiếm 10,5% tổng diện tích của Nhật Bản) và sở hữu 9,1 GW công suất phát điện bao gồm 5,5 GW của các nhà máy thủy điện. Họ đang là công ty điện lực có quy mô lớn thứ 3 Nhật Bản, thành viên của ‘big four’ ngành điện lực Nhật Bản, 3 ‘ông lớn’ còn lại là Meitetsu, Matsuzakaya và Toho Gas.
Tập đoàn là công ty được niêm yết công khai trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo và Sàn Giao dịch Chứng khoán Nagoya với giá trị vốn hóa thị trường là 9 tỉ USD (tính đến ngày 23/9/2021). Chubu có hơn 70 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Trong khoảng vài năm gần đây, dường như Chubu đang có ý đánh chiếm ngành năng lượng của nhiều nước khác, khi đi đầu tư khắp nơi. Năm 2019, họ đã mua 20% cổ phần của công ty năng lượng Hà Lan – Eneco (80% cổ phần còn lại là của Mitsubishi).
Mới đây, JERA -liên doanh của Chubu với Tokyo Electric Power - cho biết đang có kế hoạch đầu tư 1,58 tỷ USD để nắm giữ 27% cổ phần Aboitiz Power thuộc Philippines, nhằm tăng cường hiện diện tại quốc gia có nhu cầu điện đang tăng lên.
Do đó, việc đầu tư và trở thành cổ đông của Bitexco Power có thể xem là bước đi chiến lược tiếp theo trong việc phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng quốc tế của Chubu.
“Với dự kiến sẽ tham gia mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bằng cách trở thành đối tác chiến lược của Bitexco Power, chúng tôi sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa một xã hội không có carbon.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài theo kế hoạch và đóng góp vào quá trình khử carbon toàn cầu, theo đuổi mục tiêu vì một xã hội phát triển bền vững”, đại diện Chubu chia sẻ.
Còn Bitexco Power thuộc Tập đoàn Bitexco. Hiện Bitexco Power vận hành và đầu tư vào 21 nhà máy thủy điện và một nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, với tổng công suất phát điện khoảng 1.038 MW. Bitexco Power cũng đang vận hành dự án điện mặt trời Nhị Hà – Ninh Thuận công suất 50 MW, cũng như đề xuất hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây.
“Cả Chubu và Bitexco đều có thế mạnh riêng. Chu bu thì như đã nói ở trên, còn Bitexco là tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam với 36 năm lịch sử hình thành và phát triển, tập trung chính trong các hoạt động kinh doanh bất động sản, năng lượng, dịch vụ thương mại, cơ sở hạ tầng, viễn thông và thăm dò khai thác dầu khí.
Với sự phát triển đồng đều và mạnh mẽ về công nghệ, cùng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm, những năng lực này đưa Bitexco Power trở thành công ty năng lượng tư nhân hàng đầu tập trung vào lĩnh vực thủy điện, điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng khác ở Việt Nam.
Như vậy, với tiềm lực, kinh nghiệm của Bitexco và Chubu, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiện thực hóa một xã hội xanh và phát triển bền vững ”, ông Vũ Đức Thuấn - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Bitexco Power, cho biết.
Theo cập nhật thay đổi kinh doanh vào ngày 15/2/2017, Bitexco Power có vốn điều lệ gần 2.045 tỷ đồng. Các cổ đông hiện hữu là Orix Corp sở hữu gần 6,1% cổ phần, United Overseas Bank sở hữu gần 6,1% cổ phần.
Với tốc độ tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đáng kể, nhu cầu điện năng của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Trong khi nhu cầu điện đạt 216,8 TWh vào năm 2020, theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển điện (PDP8) cho giai đoạn 2021-2030 do Bộ Công Thương ban hành, dự kiến sẽ tăng lên 491,3 TWh (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 8,5%) vào năm 2030.
Hơn nữa, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo cao so với các nước ASEAN khác do nhiều vùng của nước ta có lượng bức xạ mặt trời dồi dào và điều kiện gió phù hợp cả trên bờ và ngoài khơi. Chính phủ Việt Nam cũng đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nước và sẽ ngày càng tập trung phát triển lĩnh vực này.