Công ty cổ phần chứng khoán CV (CVS) vừa có thông báo thay đổi sở hữu của cổ đông lớn. Cụ thể, CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) đã nhận chuyển 4,41 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của CVS. Số cổ phiếu này được chuyển nhượng từ ông Jiang Wen – Phó Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Kim Hậu – Tổng Giám đốc của CVS. Giao dịch được thực hiện vào ngày 9/6/2022.
M_Service hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động (mobile payment) dưới thương hiệu MoMo. Với việc sở hữu 49% cổ phần của CVS, MoMo trở thành công ty fintech tiếp theo "thâu tóm" công ty chứng khoán sau Finhay.
Tình hình kinh doanh của CVS trước khi “về tay” MoMo
Thành lập từ năm 2009, CVS tiền thân là CTCP Chứng khoán Hồng Bàng. Sau 6 năm hoạt động èo uột, năm 2015, công ty được đổi tên thành CTCP Chứng khoán Hưng Thịnh. Tuy nhiên, lần đổi tên này CVS vẫn chưa thể đổi vận bởi công ty vẫn thua lỗ triền miên.
Năm 2017, công ty tiếp tục đổi tên thành CTCP Chứng khoán CV (CVS). Sau khi đổi tên, CVS cũng tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng vào năm 2018. Song song với việc đổi tên, CVS cũng diễn ra quá trình đổi chủ.
Năm 2018, cổ đông ngoại đến từ Trung Quốc là ông Jia Minghui đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của CVS. Sau khi đổi chủ, công ty cũng đặt tham vọng trở thành công ty chứng khoán kết nối đầu tư Việt Nam - Trung Quốc dựa trên thế mạnh về nguồn vốn ngoại chủ yếu đến từ Hồng Kông, Trung Quốc…
Theo giới thiệu trên website của CVS, HĐQT của công ty này gồm có 4 thành viên: ông Jia Minghui – Chủ tịch HĐQT, ông Jiang Wen – Phó Chủ tịch HĐQT, ông Li Zhigho – thành viên HĐQT, ông Nguyễn Kim Hậu – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của cổ đông ngoại cũng không làm cho “bức tranh tài chính” của công ty này tươi sáng hơn. Bởi kết quả kinh doanh những năm tiếp theo vẫn lỗ triền miên, cụ thể: năm 2017 công ty lỗ 6,4 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 14,9 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 19,2 tỷ đồng. Đến năm 2020, khoản lỗ giảm xuống còn 5,8 tỷ đồng. Sau nhiều năm thua lỗ, năm 2021, CVS đã có lãi với khoản lợi nhuận sau thuế 164 triệu đồng. Tuy nhiên tính đến cuối năm ngoái, công ty này vẫn còn khoản lỗ luỹ kế lên tới 79,8 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, CVS chỉ có một cổ đông trong nước là Tổng Giám đốc ông Nguyễn Kim Hậu sở hữu 8,06% vốn điều lệ; 6 cổ đông còn lại đều là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 91,94% cổ phần, trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức sở hữu 44,44% cổ phần và 5 nhà đầu tư cá nhân sở hữu 47,5% cổ phần.
‘Bóng dáng’ chứng khoán Thiên Việt sau MoMo và Finhay
Trước MoMo, Finhay đã mua lại và tiếp quản CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities). Chia sẻ trên Facebook cá nhân, CEO Nghiêm Xuân Huy của Finhay cho biết: Chính thức Finhay đã mua và sở hữu công ty chứng khoán Vina, trở thành công ty fintech đầu tiên trong mảng đầu tư số sở hữu 1 công ty chứng khoán. Việc mua lại công ty chứng khoán Vina giúp khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư số, tăng cường uy tín và niềm tin của khách hàng.
Đáng chú ý, đằng sau sự phát triển của MoMo hay Finhay đều khó có thể bỏ qua vai trò của công ty chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS). Chứng khoán Thiên Việt được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Trung Hà - một thiên tài toán học của Việt Nam. Ông Hà được biết đến như là một chiến lược gia kinh doanh hàng đầu với bề dày kinh nghiệm đầu tư qua hơn 30 công ty trong nước.
Tính đến cuối năm 2021, Thiên Việt cho biết giá gốc của khoản đầu tư vào MoMo là 27,85 tỷ đồng. Với việc MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) và nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD vào tháng 12 năm ngoái đã đưa MoMo trở thành kỳ lân của Việt Nam. Với mức định giá hơn 2 tỷ USD của MoMo, TVS được xem là một trong những nhà đầu tư thu về được khoản lợi nhuận khủng.
Sau hơn 10 năm, theo ước tính giá trị cổ phần Chứng khoán Thiên Việt nắm giữ tại MoMo có thể trị giá lên đến hơn 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.800 tỷ đồng. MoMo cũng là một trong những khoản đầu tư mà ban lãnh đạo Thiên Việt rất tự hào khi nhắc đến.
Đối với Finhay, TVS tham gia vào startup này từ tháng 11/2019, khi doanh nghiệp này chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần. Khi ấy, khoản đầu tư của TVS mang tính chất tượng trưng, với chỉ 2 cổ phần phổ thông, tương ứng với 0,01% vốn điều lệ Finhay Việt Nam. Trong khi đó, nhà sáng lập Nghiêm Xuân Huy nắm giữ tới 99,97% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2021, TVS ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư vào Finhay ở mức 62,4 tỷ đồng (tương đương 6,2 triệu cổ phiếu), tăng gần 7 lần so với thời điểm cuối năm 2020.