Mới đây, thông tin bà Mạnh Vãn Chu đã được phép trở về quê hương rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, bởi đây không đơn thuần là một vụ án kinh tế mà nó đã được nâng tầm trở thành một vấn đề chính trị - liên quan đến quan hệ song phương 3 bên Mỹ - Canada – Trung Quốc.
Vào ngày 1/12/2018, Canada đã bắt giữ mà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu từ phía Mỹ. Lúc đó, nước Mỹ đang được lãnh đạo bởi Tổng thống Donald Trump – người theo đuổi chính sách “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” và không ngừng ngại đấu tay bo với ‘đối thủ’ Trung Quốc trên mọi mặt trận.
Mỹ ‘sờ gáy’ bà Mạnh Vãn Chu với cáo buộc “lừa gạt ngân hàng HSBC bằng cách nói dối về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran” và điều này có thể khiến HSBC có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt các nước Trung Đông của Mỹ.
Sau nhiều ngày bị giam giữ cùng những phiên xử kéo dài, cuối cùng tòa án Canada đã đồng ý thả bà Mạnh Vãn Chu với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD cùng một vài điều kiện đi kèm. Ví dụ: bà Mạnh phải đeo thiết bị định vị tại chân, ngoài ra sẽ luôn có 5 vệ sỹ theo sát trong quá trình bà này được "tại ngoại" trong căn nhà ở Canada.
Kể từ đó, theo Bloomberg, cuộc sống của bà Mạnh Vãn Chu diễn ra êm đềm tại biệt thự trị giá hơn 4 triệu USD của gia đình ở Canada. Bà Mạnh thường chụp ảnh bên ngoài dinh thự của mình trong những bộ váy áo chỉn chu, bên cạnh đó là chiếc vòng định vị ở chân. Với nó, bà sẽ chỉ được đi lại thoải mái trong vòng 260 km2 tại Vancouver cho tới 11 giờ đêm.
Tuy nhiên, sở dĩ Canada không đồng ý để Chính phủ Mỹ dẫn độ bà về Mỹ, bởi ngay sau khi Canada bắt “công chúa” Huawei, Trung Quốc đã lập tức tóm gọn 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với tội danh ‘gián điệp’.
Mặc dù Canada cho rằng, việc Trung Quốc bắt 2 công dân này là để làm “con tin chính trị”, chứ không phải họ vi phạm pháp luật Trung Quốc thật, nhưng Trung Quốc không quan tâm.
Sau 3 năm bị quản thúc, mới đây bà Mạnh Vãn Chu đã được phép trở về quê hương vì Chính phủ Mỹ rút lại lệnh dẫn độ với CFO này, sau một phiên tòa online giữa bà và Tòa án Mỹ.
Bloomberg cho biết, theo thỏa thuận với các Công tố viên liên bang Mỹ, bà Mạnh Vãn Chu đã thừa nhận “lừa dối HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của Huawei với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia đó”. Bà sẽ không phải đối mặt với sự truy tố nào nữa và có thể được bãi bỏ các cáo buộc chống lại bà ấy của Chính phủ Mỹ vào tháng 12/2022, nếu tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Canada cho biết: việc thừa nhận của bà Mạnh đã "xác nhận điểm mấu chốt của các cáo buộc của Chính phủ trong việc truy tố vụ gian lận tài chính này - rằng bà Mạnh và các nhân viên Huawei đã tham gia vào một nỗ lực phối hợp để đánh lừa các tổ chức tài chính toàn cầu, Chính phủ Mỹ và công chúng về các hoạt động của Huawei ở Iran".
Ban đầu, với các cáo buộc gian lận ngân hàng, âm mưu và gian lận điện tử, nữ doanh nhân 40 tuổi này phải đối mặt với án 30 năm tù giam nếu bị kết án ở Mỹ.
Phía Huawei dĩ nhiên phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc này. Còn Chính phủ Mỹ thông báo, họ sẽ theo vụ kiện bà Mạnh Vãn Chu và Huawei đến cùng.
Hãng tin này còn cho biết, người Trung Quốc xem đây là thắng lợi ngoại giao của họ trước Mỹ - Canada. Cả nước Trung Quốc hân hoan chào đón bà Mạnh Vãn Chu trở về đất mẹ. Thậm chí, nhiều người dân còn khóc trước một clip được cho là phát biểu cảm ơn đất nước và nhân dân Trung Quốc của bà Mạnh Vãn Chu.
Chiều ngược lại, theo Thủ tướng Canada - Justin Trudeau, thì hiện tại, 2 công dân của họ là Michael Kovrig và Michael Spavor cũng đang trên đường trở về quê hương Canada.
“Trong 3 năm qua, cuộc sống của tôi đã có rất nhiều xáo trộn. Nó khiến tôi không thể hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ, người vợ và lãnh đạo công ty.
Nhưng tôi luôn tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng. 3 năm qua là quãng thời gian với những trải nhiệm vô giá đối với cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên những lời chúc tốt đẹp đến từ mọi người khắp nơi trên thế giới. Càng gặp khó khăn con người càng trưởng thành nhanh hơn”, bà Mạnh Vãn Chu bày tỏ.
Ngoài ra, bà còn cảm ơn người Canada và truyền thông, đồng thời nhắn nhủ “xin lỗi về sự bất tiện này”.
Tuy nhiên, đây chỉ là ‘thắng lợi’ trước mắt của cá nhân bà Mạnh Vãn Chu, còn công ty của bà là Huawei lẫn các ông lớn công nghệ khác của Trung Quốc như TikTok hay Xiaomi vẫn gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ.
Vào năm 2019, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei và đưa Tập đoàn này vào ‘danh sách đen’ xuất khẩu, cắt bỏ các sản phẩm của họ khỏi các công nghệ quan trọng của nước Mỹ. Sau đó, Anh, Thụy Điển, Úc và Nhật Bản cũng đã cấm Huawei, trong khi các quốc gia khác bao gồm Pháp và Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc có các lệnh cấm hoàn toàn.
Vào ngày 14/1/2021, chính phủ Mỹ bất ngờ ban hành lệnh đưa 9 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Xiaomi, ZTE, Huawei vào "danh sách đen" với lý do họ có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân của Mỹ cần phải tuân thủ lệnh cấm và thực thi nghiêm ngặt việc thoái vốn và bán cổ phiếu khỏi các công ty Trung Quốc. Nếu bị phát hiện tiếp tục mua cổ phiếu của nhóm công ty trong "danh sách đen", chi phí phạt là cực kỳ cao.
Ngay lập tức, Xiaomi đã kiện ngược lại Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Mỹ về các hạn chế đầu tư của chính phủ Mỹ, yêu cầu tòa án tuyên bố việc Mỹ đưa Xiaomi đưa vào "danh sách đen" là bất hợp pháp. Mới đây, Xiaomi đã được đưa ra khỏi danh sách đen, tất nhiên họ vẫn không thể hoạt động tự do và kinh doanh tốt tại thị trường này như trước đây.
TikTok hay WeChat cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Chính phủ Mỹ.
Nhà phân tích lĩnh vực công nghệ Trung Quốc - Rui Ma nhận định: nhiều công ty Trung Quốc hy vọng rằng thỏa thuận của bà Mạnh Vãn Chu với Mỹ có thể giúp mối quan hệ Mỹ-Trung không xấu đi nữa, "nhưng không ai coi điều đó có nghĩa là căng thẳng sẽ có sự đảo ngược".