Năm nay là lần thứ 19 VCCI công bố báo cáo PCI, với kết quả điều tra từ hơn 10.000 doanh nghiệp trên cả nước. Đây là ấn phẩm thường niên do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) và các đối tác tư nhân nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường.
Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Khảo sát PCI–PGI năm 2023 cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của các địa phương trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh với 71,25 điểm, giữ vị trí số 1 bảng xếp hạng; giữ vị trí Á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp… Đây là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PCI và năm thứ 11 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Chỉ số PCI là công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số thành phần PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại địa phương. Đồng thời cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải cách hành chính và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Kết quả xếp hạng PCI 2023 dựa trên khảo sát thường niên trên 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước (doanh nghiệp tư nhân) tại 63 tỉnh, thành trên cả nước; 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; gần 6.000 doanh nghiệp mới thành lập.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, báo cáo PCI năm 2023 là bức tranh sống động về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua dưới góc nhìn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những cải cách được doanh nghiệp đánh giá cao, các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Đặc biệt, báo cáo năm nay truyền tải đánh giá của doanh nghiệp về nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đầu tư xanh, thực hành xanh của doanh nghiệp tại địa phương. Qua đó, khuyến nghị các địa phương thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sau khi thí điểm vào năm 2022, năm nay VCCI cũng công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số này nhằm đánh giá, xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Theo xếp hạng PGI năm 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh.
Phân tích của báo cáo PCI - PGI 2023 cho thấy điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng, liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.